.table-l-style{width:30%}
Ý kiến, yêu cầu và kiến nghị… từ khắp mọi nơi, đặc biệt là các quan điểm “nặng ký” từ các nghị sỹ quốc hội, chắc chắn không để ông Trump được yên khi ý mình, mình làm.
Ngay sau khi bầu cử Mỹ vừa kết thúc, hồi giữa tháng 11, Thượng nghị sỹ Sherrod Brown của Đảng Dân chủ (bang Ohio), thành viên Ủy ban Tài chính Thượng viện đã gửi thư tới Tổng thống đắc cử Donald Trump, kêu gọi ông thực hiện những cam kết về thương mại mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Trong đó có việc đánh giá lại quan hệ thương mại Mỹ - Trung, xem xét lại chính sách thương mại đối với Trung Quốc và đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) trong 100 ngày đầu tiên trên cương vị tổng thống Mỹ.
Thượng nghị sĩ Brown cũng kêu gọi ông Trump đàm phán lại nghị định thư về việc Trung Quốc gia nhập WTO; thúc đẩy 2 vụ kiện Trung Quốc ra WTO liên quan đến sản lượng thép và nhôm dư thừa; không công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc; và dừng đàm phán Hiệp định đầu tư song phương với Trung Quốc.
Người ta cho rằng, việc thay thế TPP bằng FTA Nhật - Mỹ đã được bàn tới. (Nguồn: Daily Express) |
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Brown cho rằng ông Trump không nên thực hiện tuyên bố áp thuế 45% đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Bởi việc này sẽ dẫn tới khả năng bị trả đũa thương mại và làm phương hại tới kinh tế và việc làm của Mỹ. Thượng nghị sĩ Brown đề nghị ông Trump chọn Đại diện Thương mại Mỹ là người am hiểu lĩnh vực sản xuất chế tạo, và nền tảng này sẽ giúp Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ ưu tiên thúc đẩy sản xuất trong nước, thay vì chỉ tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận ở nước ngoài như hiện nay.
Mới đây, tờ Inside US trade lại cho biết, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ Orrin Hatch vừa nêu ý tưởng về một thỏa thuận song phương Mỹ - Nhật Bản, để thay thế cho Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Phát biểu với báo giới mới đây, ông Orrin Hatch đã nêu ý tưởng trên trong trường hợp Tổng thống đắc cử Donald Trump quyết từ chối TPP. Theo đó, thay vì hiện thực hóa Hiệp định TPP với 12 quốc gia thành viên, Mỹ sẽ thúc đẩy thỏa thuận với Nhật Bản nếu nước này đồng ý. Thượng nghị sĩ Orrin Hatch tin rằng, ông Trump sẽ cân nhắc đề xuất này.
Tuy nhiên, ông Hatch không đề cập chi tiết về ý tưởng trên hay nêu điều kiện mà các nước TPP khác sau đó có thể gia nhập thỏa thuận giữa Mỹ và Nhật. Thượng nghị sĩ Orrin Hatch cho biết, ông sẽ nêu ý tưởng này với Tổng thống đắc cử Trump và nhóm chuyển giao.
Nhận định về việc này, có ý kiến cho rằng, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump phản đối TPP nhưng nhiều lần bày tỏ ủng hộ các thỏa thuận song phương với các điều khoản có lợi cho Mỹ, do vậy, đề xuất của Thượng nghị sĩ Hatch có thể khả thi. Và cũng có thể, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nói với ông Trump ý tưởng này tại cuộc gặp ngày 17/11 tại New York vừa qua.
Tuy nhiên, cũng có nguồn tin cho rằng, một thỏa thuận song phương Mỹ - Nhật Bản dựa trên TPP là không khả thi, vì như thế sẽ vẫn phải đàm phán lại toàn bộ.
Ngoài ra, có ý kiến lại cho rằng, một trong những lý do cơ bản đằng sau TPP là để hướng các nước châu Á - Thái Bình Dương như Việt Nam, Malaysia… đáp ứng theo tiêu chuẩn của Mỹ, Nhật Bản. Một thỏa thuận giữa Mỹ và Nhật sẽ không đạt được mục tiêu đó. Và nếu không có TPP thì Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - có tiêu chuẩn thương mại thấp hơn, do Trung Quốc dẫn dắt sẽ nhanh chóng lấn lướt.
Nhưng ông Trump cũng rất khó lòng chấp nhập TPP, bởi món nợ ông cần phải trả cho các cử tri ở bang Michigan, rằng sẽ hậu thuẫn cho ngành ô tô Mỹ, trong việc nâng tỷ lệ nội địa hóa và các vấn đề liên quan đến thao túng tiền tệ.