📞

Ông Trump không có ý định “mềm dẻo” với Bắc Kinh

18:31 | 23/01/2019
Hơn ai hết, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thúc đẩy thị trường thông qua một hiệp định thương mại với Trung Quốc, nhưng ông ấy sẽ không bao giờ bỏ quan điểm, Bắc Kinh phải thực hiện cải cách cơ cấu thực sự, bao gồm cả cách họ xử lý tài sản trí tuệ, để đi đến được thỏa thuận.

Mỹ vẫn tung hỏa mù

Việc tự nguyện mua nhiều hàng hóa của Mỹ dường như không thể giúp Trung Quốc khắc phục được vấn đề lớn trong thương mại và đầu tư song phương, vốn chưa thể đưa ra đường hướng giải quyết trong các cuộc đàm phán giữa hai nước. Các cuộc đàm phán này được cho là sẽ tiếp tục, khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đến thăm Washington vào cuối tháng 1 tới.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ và buộc các công ty Mỹ phải chia sẻ công nghệ khi họ kinh doanh tại Trung Quốc. Còn Bắc Kinh thì nhất quyết phủ nhận các cáo buộc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: CNBC)

Theo thời hạn đã đặt ra, ngày 1/3 là thời điểm "đình chiến thương mại" 90 ngày kết thúc. Đây có thể là cái mốc chuẩn bị đạt được thỏa thuận  Mỹ - Trung hoặc có nguy cơ leo thang thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD khác. “Chúng tôi không thể bằng lòng khi mối quan hệ của chúng tôi chưa được giải quyết đầy đủ”, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết. Theo quan chức này, phái đoàn Mỹ được dẫn đầu bởi Đại diện Thương mại Robert Lighthizer đã tập trung vào các vấn đề cơ cấu, cũng như mất cân bằng thương mại.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow nói với Reuters rằng, việc chuyển giao công nghệ bắt buộc, hạn chế trộm cắp IP và hạn chế quyền sở hữu vẫn là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Trump. “Tổng thống đã nói rất nhiều về vấn đề đó và ông ấy sẽ không lùi bước”, ông Kudlow nói.

Theo nguồn tin của Reuters, không có nhiều tiến bộ là lý do đã khiến Chính quyền Tổng thống Trump từ chối một cuộc gặp trực tiếp với một phái đoàn Trung Quốc cấp thấp hơn để đàm phán trù bị trước chuyến thăm của Phó Thủ tướng Lưu Hạc.

Thời Financial Times cũng đưa tin rằng, một đề nghị cho cuộc họp trù bị đã bị từ chối, nhưng các quan chức Nhà Trắng không xác nhận điều đó. Trả lời hãng tin CNBC, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow đã thẳng thừng bác bỏ những thông tin trên, khẳng định “không có việc cuộc họp được lên kế hoạch đã bị hủy”.

Người phát ngôn của Nhà Trắng Lindsay Walters cho biết, các bên vẫn giữ liên lạc để chuẩn bị cho các cuộc hội đàm cấp cao với Phó Thủ tướng Lưu Hạc vào cuối tháng này.

Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý về lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến thương mại của họ tại cuộc họp G20 ở Buenos Aires năm ngoái và đặt ra thời hạn 90 ngày để thảo luận về sự khác biệt, để đi đến một thỏa thuận. Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều cuộc đàm phán, hai bên vẫn chưa thống nhất được bất cứ vấn đề nào để có thể ghi ra thành văn bản.

Nhưng ông Trump đã “vẽ” một màu hồng rằng, những tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc phần lớn là tích cực và họ đã nhận thức được tác động của những căng thẳng đã gây ra cho thị trường chứng khoán.

“Chúng tôi thực sự đã có rất nhiều cuộc họp đặc biệt và một thỏa thuận Mỹ - Trung rất có thể đạt được trong thời gian tới. Các cuộc đàm phán đang diễn ra rất tốt đẹp.”, Tổng thống Trump đã nói như vậy với giới truyền thông tại Nhà Trắng vào tuần trước.

Trách nhiệm đặt lên vai ông Lưu Hạc

Hồi tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin cũng cho biết, giới chức Trung Quốc đã thể hiện một sự thay đổi rõ rệt khi thảo luận với phái đoàn Mỹ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina. Theo đó, ông Tập Cận Bình đã đưa ra cam kết rõ ràng về việc mở cửa thị trường Trung Quốc với các doanh nghiệp của Mỹ. Và Bắc Kinh cũng đã đưa lên bàn đàm phán một đề nghị về các cam kết bổ sung trị giá hơn 1,2 nghìn tỷ USD.

Tuy nhiên, cam kết đó có thể là không đủ đối với Washington.

Theo Scott Kennedy, Giám đốc Dự án Kinh doanh và Kinh tế Chính trị Trung Quốc ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tại các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh, các quan chức Trung Quốc đã cam kết mua đủ các sản phẩm của Mỹ để xóa sạch thâm hụt thương mại giữa hai bên, dù vẫn giữ lập trường rằng, điều đó còn phụ thuộc vào yêu cầu của các công ty Trung Quốc. Phía Trung Quốc cũng có thể tự kiểm điểm rằng, họ đã giải quyết hết những lo ngại của Mỹ về quyền sở hữu trí tuệ thông qua các luật mới và nhiều động thái khác.

Phân tích về vòng đàm phán tiếp theo với sự có mặt của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Larry Kudlow cho biết, phạm vi đàm phán thương mại của Washington với Bắc Kinh sẽ rộng và sâu hơn bao giờ hết, nhưng kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc xác minh các cam kết của Trung Quốc. Ông Kudlow cho rằng, việc thực tiễn thực thi các cam kết là rất quan trọng đối với sự thành công của các cuộc đàm phán này. Ông cũng thừa nhận mức độ khó khăn và nói rằng tùy thuộc vào việc Tổng thống quyết định những gì ông có thể chấp nhận hoặc không thể chấp nhận.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. (Nguồn: Nusantara)

Về phía Bắc Kinh, Phó Thủ tướng Lưu Hạc là cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình và chịu trách nhiệm về các cuộc đàm phán với Mỹ. Đây sẽ là chuyến viếng thăm thứ hai của ông đến Thủ đô của Mỹ để đàm phán thương mại, sau chuyến đi hồi tháng 5 năm ngoái. Nhưng lần này, ông Lưu đến Washington trong bối cảnh kinh tế trong nước đầy thách thức, khiến việc đạt được thỏa thuận trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Trước sự bất ổn của cuộc chiến tranh thương mại, dữ liệu kinh tế gần đây rất tồi tệ khi tâm lí doanh nghiệp giảm, rủi ro lạm phát cao và xuất khẩu giảm. Các nhà chức trách Trung Quốc đã phản hồi bằng nhiều biện pháp kích thích khác nhau, nhưng những biện pháp này không mang lại hiệu quả trong việc khắc phục nền kinh tế đang suy yếu trong bối cảnh tình hình quốc tế cũng đang xấu đi.

Và sự xuất hiện của ông Lưu Hạc trong cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng Thương mại đã cho thấy Bắc Kinh đánh giá cao cuộc đàm phán này và mang tới nhiều lạc quan để hai bên giải quyết cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung.

Trong khi đó, chính Cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Lupton cho biết, có rất nhiều "hư chiêu" đã được đưa ra trước thềm cuộc gặp, Tổng thống Trump liên tục Tweet rằng, các chỉ số của Trung Quốc hiện tại cho thấy, tình hình kinh tế của nước này đang rất yếu và tốt hơn là Bắc Kinh nên thực hiện một thỏa thuận nhanh chóng.

(theo Reuters, Bloomberg)