📞
MỸ - TRIỀU TIÊN:

Ông Trump và ông Kim: trò chơi chờ đợi!

Hà Linh 14:23 | 29/05/2020
TGVN. Mối quan hệ giữa ông Trump và Chủ tịch Kim Jong-un của Triều Tiên sẽ ra sao từ nay đến kỳ bầu của Tổng thống tại Mỹ? Tạp chí The National Interest có phân tích.
Quan hệ cá nhân đặc biệt của ông Trump với ông Kim liệu có đơm hoa kết trái trước kỳ bầu cử tổng thống? (Nguồn: Business Korea)

Với việc Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19 và tuyên bố khó tin của Triều Tiên về việc không có ai nhiễm bệnh, thời gian có lẽ đã hết cho mối quan hệ cá nhân đặc biệt của ông Trump với ông Kim đơm hoa kết trái trước kỳ bầu cử tổng thống. Hiện tại, triển vọng khởi động quá trình đàm phán có vẻ ảm đạm mặc dù không ai trong số họ chính thức tuyên bố từ bỏ các cuộc đàm phán hạt nhân.

Giữ nguyên hiện trạng

Trong khi món quà Giáng sinh của ông Kim không đến sau khi hết thời hạn cuối năm mà ông ta tự tuyên bố, lập trường của Triều Tiên cho thấy rất ít khả năng quay trở lại bàn đàm phán trừ khi Washington từ bỏ chính sách thù địch của mình. Trong suốt các cuộc giao thiệp ngoại giao với Hàn Quốc và Mỹ, Chủ tịch Kim luôn đưa ra một thông điệp rõ ràng về những gì ông Kim nhắm đến trong thời gian ngắn, đó là nới lỏng đáng kể sự trừng phạt của cộng đồng quốc tế nhưng không dẫn đến việc Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân. Về phần mình, chính quyền Mỹ hiện nay không sẵn sàng thay đổi chính sách đối với Triều Tiên, như Ngoại trưởng Pompeo gần đây đã tái khẳng định.

Do sự thiếu linh hoạt dai dẳng của cả hai bên, Washington và Bình Nhưỡng đã không có được bước đi có ý nghĩa để bình thường hóa quan hệ. Và với việc đại dịch làm phức tạp thêm các tính toán của họ, đặc biệt là các tính toán nội bộ, việc giữ nguyên hiện trạng trong phần còn lại của năm có thể là lựa chọn khả thi nhất cho hai nhà lãnh đạo. Dựa trên nhiều thập kỷ đàm phán với Mỹ, Triều Tiên có thể sẽ chờ đợi xem ai sẽ ngồi trong Phòng Bầu dục vào tháng 1 tới thay vì đầu tư thời gian để biết rằng bất kỳ thỏa thuận tạm thời nào đều có thể được loại bỏ một khi chính quyền khác xuất hiện.

Không còn nghi ngờ gì, chính sách Triều Tiên không theo truyền thống của ông Trump sẽ có ý nghĩa khi giữ liên lạc trực tiếp ở cấp cao nhưng lại loại bỏ các cuộc đàm phán ở cấp làm việc, là cấp rất quan trọng trong việc đạt được những kết quả thực chất và bền vững. Trên thực tế, việc Tổng thống Trump coi nhẹ hành vi vi phạm nhân quyền và thử nghiệm tên lửa liên tục của Bình Nhưỡng đã tước đi vũ khí của các nhà đàm phán hàng đầu của ông trên bàn đàm phán với Triều Tiên.

Khoảng cách của kỳ vọng

Nếu sự kết hợp giữa đại dịch toàn cầu và cuộc bầu cử Mỹ không mang lại kết quả tốt cho bất kỳ đột phá ngoại giao lớn nào trong phần còn lại của năm, thì khả năng cao sẽ có nhiều động thái thu hút sự chú ý từ Bình Nhưỡng nhưng không đến mức buộc ông Trump phải ra tay.

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán bị đình trệ, tốc độ triển khai các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiênđã không bị chậm lại và họ tiếp tục đầu tư mạnh vào vũ khí chiến lược, bao gồm cả các cuộc tấn công mạng, để bù đắp cho sự lỗi thời của kho vũ khí quân sự thông thường của Bình Nhưỡng. Những hình ảnh vệ tinh mới nhất và các vụ thử tên lửa của tháng 3 và tháng 4/2020 đã vượt xa so với năm 2017 cho thấy ý định tăng cường khả năng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên với độ chính xác được cải thiện và là một lời nhắc nhở rõ ràng đối với Mỹ và các đồng minh khu vực về mức độ nghiêm túc của Triều Tiên trong phát triển sức mạnh hạt nhân.

Khi mặt trời đứng bóng, thật khó để xác định quả bóng nằm bên sân của ai, nhưng bế tắc hiện tại trong các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều cho thấy một điều rõ ràng là chừng nào hai bên không thu hẹp những kỳ vọng phi thực tế đối với nhau thì tiến bộ ngoại giao không thể có trong tầm tay.

(Từ CTV tại Washington)

(Theo Tạp chí The National Interest)