OPEC+ quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng dầu hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày. (Nguồn: Yonhap) |
Động thái diễn ra giữa bối cảnh giá dầu biến động mạnh, Mỹ giải phóng kho dự trữ dầu và thị trường gia tăng lo ngại về biến thể mới Omicron, gây ra những lo ngại rằng, OPEC+ sẽ hạn chế nguồn cung.
OPEC+ cũng từ chối đề xuất tăng nhanh sản lượng của Mỹ để kiềm chế đà tăng của giá nhiên liệu, do lo ngại tình trạng cung vượt cầu có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi mong manh của ngành năng lượng.
Tổ chức này dự báo, thị trường dầu sẽ thặng dư 3 triệu thùng/ngày trong quý I/2022, cao hơn với dự báo thặng dư 2,3 triệu thùng/ngày được đưa ra trước đó.
Sau động thái của OPEC+, ngày 2/12, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Mỹ hoan nghênh quyết định tăng sản lượng dầu thô vừa đạt được.
Bà Psaki nói: “Chúng tôi đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ trong những tuần gần đây với các đối tác của chúng tôi - Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và các nhà sản xuất OPEC + khác, để giúp giải quyết áp lực về giá".
Theo quan chức Nhà Trắng, cùng với việc Mỹ phối hợp xuất kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược, quyết định của POEC+ sẽ giúp tạo điều kiện cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu".
Sau thông báo trên, tại thị trường London, giá dầu Brent giảm 1,21 USD (1,7%) xuống 67,66 USD/thùng trong khi giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giảm 1,24 USD (1,8%) xuống 64,33 USD/thùng. Giá dầu toàn cầu đã mất hơn 10 USD/thùng kể từ khi tin tức về biến thể Omicron lần đầu tiên gây sốc cho các nhà đầu tư.
Giá dầu đang trong xu hướng giảm, sau khi vọt lên 86 USD/thùng, mức cao nhất trong ba năm vào tháng Mười. Trong tháng 11/2021, giá dầu đã ghi nhận mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát khi biến thể Omicron đào sâu mối lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung.
Trong một báo cáo, các chuyên gia OPEC+ cho rằng, tác động của biến thể Omicron vẫn chưa rõ ràng, mặc dù hàng loạt nước trên thế giới đã nhanh chóng tái áp đặt các biện pháp hạn chế, siết chặt kiểm soát, cấm nhập cảnh đối với người từ khu vực châu Phi, hoãn các kế hoạch mở cửa.
Hiện vẫn còn quá sớm để có thể kết luận liệu Omicron có nguy hiểm hơn Delta hay không. Các chuyên gia đều cho rằng, phải mất nhiều tuần để xác định khả năng lây lan, mức độ nghiêm trọng khi nhiễm và hiệu quả của các biện pháp xét nghiệm, điều trị và tiêm phòng đối với biến thể này.
Báo cáo tháng 11/2021 của OPEC giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2022 ở mức khoảng 4,2 triệu thùng/ngày. Theo báo cáo này, nhu cầu dầu trong năm 2022 có thể đạt 100,6 triệu thùng/ngày, cao hơn 0,5 triệu thùng so với hồi năm 2019.
Cũng trong báo cáo này, OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2021 sẽ tăng thêm 5,7 triệu thùng/ngày, giảm hơn 160 nghìn thùng/ngày so với dự báo trước đó và đứng ở mức 96,4 triệu thùng/ngày.
| Giá dầu thế giới phiên 1/12 giảm vì ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại Mỹ Phiên giao dịch 1/12, giá dầu thế giới giảm do các nhà đầu tư lo lắng về nhu cầu nhiên liệu sẽ giảm trong bối ... |
| 'Nín thở' chờ tin OPEC+, giá dầu thế giới giảm Giá dầu thế giới giảm phiên 25/11 khi thị trường chuyển hướng sang OPEC+ |