ORECCuối tháng 4/2008, Thái Lan chính thức đề xuất về việc thành lập Tổ chức các nước xuất khẩu gạo để ấn định giá mặt hàng này. Nhưng đến nay, vì nhiều lý do, ý tưởng này vẫn chưa thành hiện thực. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo hồi tuần trước tại Bangkok, người phát ngôn của Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - ông Chaiya Yimvilai, đã cho biết thông tin về việc thành lập hiệp hội kinh doanh gạo gồm 5 nước xuất khẩu gạo lớn nhất khối ASEAN, trong đó hiện lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, Campuchia và Thái Lan được cho là chiếm khoảng 50% tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm trên thế giới. Các nước nông nghiệp thường gặp khó với sự lên xuống thất thường của giá cả nông sản. Việc thành lập một kiểu liên minh giống Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) được cho là có thể giúp các nước xuất khẩu gạo chủ động giá cả. Thái Lan hy vọng liên minh hợp tác trong việc định ra mặt bằng giá gạo, bình ổn giá gạo trên thị trường quốc tế và giúp phát triển việc sản xuất lúa gạo ở các nước thành viên. Việc này sẽ có ích cho nông dân trong quyết định đầu tư của họ.Tuy nhiên, theo các nhà tổ chức “Hiệp hội này sẽ không giống OPEC. Mục tiêu của chúng tôi là ngăn giá gạo rớt xuống quá thấp, gây thiệt hại cho nông dân, nhưng chúng tôi sẽ không cùng nhau ấn định giá gạo và không đặt ra ‘hạn ngạch’ sản xuất, xuất khẩu”.Khả thi?Ý tưởng thành lập OREC thực ra đã được Thái Lan đề xuất từ năm 2001, nhưng không thu hút được sự quan tâm. Đến tháng 4/2008 là lúc cuộc khủng hoảng lương thực hoành hành, việc Thái Lan đề nghị thành lập OREC đã khiến dư luận xôn xao. Philippines, một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới bày tỏ băn khoăn về việc có làm trầm trọng thêm khủng hoảng lương thực? Còn một số chính trị gia, nhà phân tích, doanh nhân cho rằng đề xuất của Thái Lan sẽ chẳng đi đến đâu vì chính phủ các nước khó có thể hợp tác với nhau, khó kiểm soát được sản lượng gạo do nông dân sản xuất. “Tôi không nghĩ rằng nó sẽ thành hiện thực. Tất cả họ có thể đồng thuận về giá cả, nhưng không thể kiểm soát nguồn cung giống như dầu lửa. Nó sẽ chẳng đi đến đâu”, Graham Catterwell, nhà phân tích kinh tế với 30 năm kinh nghiệm ở Thái Lan và khu vực, đánh giá. Còn chính Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan, cũng cho rằng việc thành lập OREC là không thực tiễn. Khác với dầu, gạo là mặt hàng nhạy cảm, hơn nữa không thể ấn định giá gạo như OPEC bởi vì không thể kiểm soát sản lượng như OPEC. Một số chuyên gia kinh tế Việt Nam cũng bày tỏ rằng kế hoạch thành lập OREC khó thành hiện thực. Gạo Thái thường có chất lượng cao hơn gạo Việt Nam và Thái Lan muốn xác lập giá cao hơn trên thị trường quốc tế. Việc thành lập OREC sẽ gây tổn hại cho khả năng mở rộng thị trường của Việt Nam khi đề xuất những đơn giá thấp hơn. Tuy nhiên, ngay từ khi nhậm chức, Ngoại trưởng Thái Lan Piromya đã khẳng định “Thái Lan sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thực hiện sáng kiến thành lập một liên minh xuất khẩu gạo”. Theo ông, các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới như Thái Lan, Việt Nam cần tăng cường trao đổi thông tin. Điều quan trọng là không để cạnh tranh dẫn đến việc hạ giá gạo của nhau. Bộ trưởng Công nghiệp-Thương mại Lào cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc thành lập hiệp hội này khi gặp Bộ trưởng Thương mại Thái Lan. Theo ông, các nước liên quan cũng sẽ tìm cách đẩy nhanh tiến trình thành lập để hiệp hội này bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2010.Còn Bộ trưởng Nông nghiệp Campuchia cho biết nước này sẽ gia nhập OREC nếu điều này mang lại lợi ích. An Sinh