Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas phát biểu bên cạnh Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom (trái) tại Stockholm ngày 10/2 (Nguồn: Reuters). |
Văn phòng báo chí của Thủ tướng Thụy Điển cho hay mặc dù trên thực tế, chính quyền Palestine có mở một số cơ quan đại diện ở một số quốc gia châu Âu, nhưng đây là Đại sứ quán đầu tiên của Palestine tại khu vực Tây Âu.
Việc mở Đại sứ quán Palestine tại Stockholm (Thụy Điển) phản ánh quan hệ gần gũi hơn giữa hai nước, chỉ vài tháng sau khi Thụy Điển trở thành quốc gia Tây Âu đầu tiên thuộc Liên minh châu Âu (EU) công nhận Palestine là một quốc gia độc lập.
Phát biểu với báo giới trong lễ khai trương Đại sứ quán Palestine tại Stockholm, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Loefven nói: “Theo chúng tôi, Palestine bây giờ là một quốc gia. Những kỳ vọng của chúng tôi với Palestine và sự quản lý đất nước của họ cũng vì thế mà tăng lên. Không có gì mâu thuẫn khi vừa có quan hệ tốt với Palestine, vừa duy trì tình cảm hữu hảo với Israel”.
Cùng với dấu mốc trong quan hệ ngoại giao, nhân chuyến thăm của Tổng thống Mahmoud Abbas, Thụy Điển thông báo sẽ hỗ trợ Palestine 1,5 tỷ kronor (khoảng 180 triệu USD) từ nay đến 2019 cho các chương trình chống tham nhũng, thúc đẩy bình đẳng giới và vấn đề nhân quyền.
Russia Today cho biết, đến nay đã có 135 quốc gia công nhận Nhà nước Palestine, trong đó có nhiều quốc gia thành viên EU. Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đã sụp đổ hồi tháng 4/2014 và chỉ ba tháng sau đó, cuộc giao tranh đẫm máu đã nổ ra ở Dải Gaza. Cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của 2.100 người Palestine, phần lớn là dân thường. Phía Israel có 67 binh sỹ và 6 dân thường thiệt mạng. |