Phát biểu tại cuộc họp bất thường của Hội đồng trung ương Tổ chức Giải phóng Palestine (PCC) về việc Washington công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, ông Abbas nêu rõ: "Chúng tôi đã nói 'không' với ông Trump. Chúng tôi sẽ không chấp nhận cái gọi là 'thỏa thuận thế kỷ'. Chúng tôi sẽ không chấp nhận Mỹ làm trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán với Israel".
Tổng thống Abbas cũng cho biết, ông đã từ chối đề nghị gặp Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. (Nguồn: AFP) |
Trước đó, trong cuộc họp tại Ramallah này, nhà lãnh đạo Palestine cũng cáo buộc Israel đã tự chấm dứt thỏa thuận Oslo bằng hành động của mình, tuyên bố Palestine sẽ xem xét mọi chiến lược để phản đối hành động của Israel. Tổng thống Abbas tái khẳng định chủ trương theo đuổi một giải pháp cho cuộc xung đột ở Trung Đông nhằm thành lập một nhà nước Palestine trên cơ sở đường biên giới năm 1967, với Đông Jerusalem là thủ đô.
Cuộc họp của ban lãnh đạo Palestine, với 95 thành viên tham dự, diễn ra trong bối cảnh tuyên bố về quy chế đối với Jerusalem của Tổng thống Mỹ hôm 6/12 đã khiến người Palestine nổi giận. Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối của người dân Palestine, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vẫn giữ cam kết giúp đạt được hòa bình giữa Israel và Palestine. Trong tuần trước, báo giới cho biết Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman đã thông báo với ban lãnh đạo Palestine về các nội dung chi tiết trong thỏa thuận do Mỹ đề xuất.
Tháng 12/2017, Tổng thống Trump chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, gây ra làn sóng phản đối từ nhiều nước và tổ chức trên thế giới, coi đây là một bước đi nguy hiểm đối với tiến trình hòa bình Trung Đông. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lúc đó đã tuyên bố "Mỹ không còn là nhà trung gian hòa giải" cho tiến trình hòa bình Trung Đông và phía Palestine sẽ không chấp nhận bất kỳ kế hoạch hòa giải nào của Washington.
Vấn đề Jerusalem là vấn đề rất nhạy cảm và là trung tâm của cuộc xung đột Israel-Palestine. Israel chiếm đóng khu vực Đông Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967, sau đó sáp nhập vùng đất này và tuyên bố toàn bộ thành phố Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel. Cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel đối với Đông Jerusalem, trong khi người Palestine xác định Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai.