TIN LIÊN QUAN | |
Philippines cảnh báo công dân ở Trung Quốc trước phán quyết PCA | |
Nhật muốn G7 ra tuyên bố sau khi PCA phán quyết vụ kiện Biển Đông |
Chiều 12/7 (theo giờ Việt Nam), Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trên cơ sở đề nghị của Philippines đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách “đường 9 đoạn”. Đây là phán quyết quốc tế đầu tiên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.
Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc. (Nguồn: Getty) |
Theo phán quyết của Tòa trọng tài, yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Phán quyết khẳng định Trung Quốc đã gây ra những nguy hại lâu dài đối với hệ sinh thái dải san hô ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc không có căn cứ lịch sử nào về vùng biển ở Biển Đông và Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong cái mà Bắc Kinh gọi là "đường 9 đoạn". Tòa trọng tài cũng nhấn mạnh Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.
Trong bản phản quyết dài 497 trang, các thẩm phán cũng tuyên bố rằng các tàu thực thi luật pháp của Trung Quốc đã va chạm gây nguy hiểm cho các tàu đánh cá của Philippines trên một số vùng nước và gây thiệt hại không thể bù đắp đối với các rạn san hô với những công trình xây dựng của mình.
Nhóm người Philippines tuần hành ngay trước thời điểm Tòa trọng tài công bố phán quyết. (Nguồn: Rappler) |
Xuất hiện tại buổi họp báo ở Philippines, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết các chuyên gia Philippines sẽ nghiên cứu kết quả phán quyết của Tòa trọng tài. “Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế”, ông nói.
Ngoại trưởng Philippines nói thêm, ông hoan nghênh kết quả phán quyết có lợi cho Philippines.
Phản ứng của Trung Quốc
Về phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và hãng thông tấn chính thức của nước này đồng loạt bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng. |
Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Người Phát ngôn Lục Khảng khẳng định Bắc Kinh "không quan tâm" đến phán quyết về vụ kiện Biển Đông mà Tòa trọng tài công bố.
Ông Lục lại viện dẫn lập luận rằng cơ quan này không có thẩm quyền phân xử vụ việc. "Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất cứ phán quyết nào", Reuters dẫn lời ông Lục Khảng.
Trong khi đó, Tân Hoa xã cho rằng Tòa trọng tài "lạm dụng luật pháp đã ban hành một phán quyết không căn cứ" về vụ kiện do Philippines khởi xướng.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra thông báo khẳng định phán quyết của Tòa trọng tài sẽ không ảnh hưởng đến "chủ quyền" nước này tự nhận trên Biển Đông. "Quân đội Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh, các quyền và lợi ích hàng hải quốc gia, kiên quyết gìn giữ hòa bình và ổn định khu vực, đối phó với mọi thách thức và mối đe dọa", Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu mới nhất, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng, Trung Quốc sẽ "cống hiến cho duy trì hòa bình và ổn định" ở Biển Đông nhưng sẽ "không chấp nhận những quan điểm hoặc hành động dựa trên phán quyết từ tòa án liên quan đến tranh chấp".
Phản ứng của dư luận quốc tế
Tuy nhiên, Nhật Bản cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý, theo đó các bên liên quan tới vụ kiện phải tuân thủ phán quyết này.
Trong một tuyên bố hôm nay, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Nhật Bản kiên định ủng hộ tầm quan trọng của pháp trị và việc sử dụng các phương tiện hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép trong việc tìm cách giải quyết các tranh chấp biển.
Bộ Ngoại giao Thái Lan hôm nay cũng ra thông cáo kêu gọi giải quyết vấn đề Biển Đông bằng những nỗ lực và biện pháp vững chắc, dựa trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau, lợi ích bình đẳng, phản ánh bản chất của mối quan hệ ASEAN - Trung Quốc.
Thái Lan tin rằng đích đến cuối cùng của tất cả, mang lại lợi ích cho người dân, nên là đưa Biển Đông thành một vùng biển của hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore nhấn mạng rằng Singapore không phải là một bên tranh chấp và không đứng về bên nào trong các bên tranh chấp lãnh thổ.
Tuy nhiên, Singapore ủng hộ giải quyết hòa bình tranh chấp giữa các bên phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, mà không viện tới sự đe dọa hay sử dụng vũ lực. Singapore ủng hộ duy trì một trật tự dựa trên luật định, duy trì và bảo vệ các quyền và đặc quyền của tất cả các nước.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố khẳng định phán quyết của Tòa trọng tài là "đóng góp quan trọng đối với mục đích chung của giải pháp hòa bình" cho các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby. (Nguồn: Media matters) |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby bày tỏ "hy vọng và mong muốn" các bên sẽ tuân thủ những nghĩa vụ đối với phán quyết có tính ràng buộc pháp lý về Biển Đông nói trên. Washington đồng thời hối thúc "tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền tránh những tuyên bố hoặc hành động khiêu khích" sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết này.
Việt Nam hoan nghênh phán quyết của Tòa trọng tài
Về phía Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: "Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 05/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài. Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương".
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết thêm, Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết.
Bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông thông qua yêu sách "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò" . Trung Quốc cũng liên tục bồi lấp, xây dựng hàng loạt cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ngày 22/1/2013, Philippines đã đệ đơn lên Tòa trọng tài kiện yêu sách của Trung Quốc về quyền chủ quyền, quyền tài phán và "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" trái với UNCLOS 1982 vượt quá những giới hạn mà Trung Quốc có thể đòi hỏi theo Công ước. |
[Infographics] Những cột mốc trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Cùng TG&VN nhìn lại những cột mốc quan trọng trong vụ kiện này trước giờ PCA đưa ra phán quyết. |