Nhỏ Bình thường Lớn

PCI 2014: Đà Nẵng tiếp tục giữ vững ngôi đầu bảng

Đà Nẵng tiếp tục giữ vị trí số 1 trong Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2014 với số điểm 66,78/100.
Trao Kỷ niệm chương cho 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu PCI năm 2014.

Thông tin được đưa ra tại Lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số PCI 2014 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 16/4 tại Hà Nội.

Theo nhóm nghiên cứu PCI, Đà Nẵng tiếp tục bảo vệ thành công vị trí quán quân là nhờ việc thực hiện hiệu quả chương trình “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, khi chính quyền Thành phố đã có nhiều hoạt động thiết thực tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho tiếp cận hỗ trợ tài chính tín dụng, chủ động tích cực tổ chức gặp gỡ đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Đứng sau Đà Nẵng tiếp tục là Đồng Tháp (65,28 điểm) và Lào Cai (64,67 điểm), hai gương mặt vốn khá quen thuộc trong nhóm đứng đầu của bảng xếp hạng hàng năm. Đặc biệt, sau 10 năm công bố bảng xếp hạng PCI, TP.HCM (62,73 điểm) lần đầu tiên bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Vị trí thứ 5 của bảng xếp hạng thuộc về Quảng Ninh với 62,16 điểm. Cùng với đó, nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2014 còn có Vĩnh Phúc, Long An, Thái Nguyên, Kiên Giang và Bắc Ninh.

Đáng chú ý trong bảng xếp hạng năm nay là trường hợp của Tuyên Quang, tỉnh đã vươn lên mạnh mẽ từ vị trí 63/63 của PCI 2013 lên vị trí thứ 50/63 của PCI 2014 do công tác điều hành được cải thiện hơn nhờ các nỗ lực tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

Nhìn chung, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Năm nay, điểm tính trung vị của PCI tăng từ 57,81 năm 2013 lên 58,58 điểm, ghi nhận mức độ thay đổi tích cực về chất lượng điều hành từ các tỉnh.

Điểm sáng của PCI 2014 là dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh. Điều tra năm 2014 cho thấy có tới 46,1% doanh nghiệp dân doanh dự kiến sẽ mở rộng kinh doanh trong vòng 2 năm tới, tăng mạnh so với mức 32,5% của điều tra năm 2014. Tỷ lệ này của doanh nghiệp FDI là 50%. Đây cũng là lần đầu tiên trong 5 năm công bố báo cáo PCI gần đây, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ.

“Kết quả điều tra PCI năm nay cho thấy những tín hiệu đáng khích lệ. Cộng đồng doanh nghiệp dân doanh và các nhà đầu tư nước ngoài đã lạc quan hơn về triển vọng đầu tư kinh doanh, đồng thời nhìn nhận tích cực hơn về những tiềm năng của Hiệp định TPP trong thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng. Như tôi vẫn thường nói, không có gì là không thể”, ngài Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ.

Cũng theo Báo cáo, từ cảm nhận của 1491 doanh nghiệp FDI cho thấy Việt Nam tiếp tục được đánh giá tích cực so với các quốc gia cạnh tranh về sự ổn định của chính sách, mức độ rủi ro bị thu hồi tài sản thấp, khả năng tham gia của doanh nghiệp vào quá trình hoạch định các chính sách có ảnh hưởng trực tiếp tới họ cao và các mức thuế hợp lý. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn kém hấp dẫn về chi phí không chính thức, gánh nặng quy định, chất lượng của cơ sơ hạ tầng và chất lượng dịch vụ hành chính công. Đặc biệt, tăng cường nguồn lao động có tay nghề cao cũng như đơn giản hóa việc cấp phép làm việc cho lao động nước ngoài được coi là yếu tố giúp Việt Nam cạnh tranh hơn trong thu hút đầu tư.

Qua điều tra của PCI 2014, 70% doanh nghiệp trong nước và FDI biết tới Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng chỉ ở mức độ hạn chế. Trong khi doanh nghiệp trong nước ủng hộ mạnh mẽ việc Việt Nam gia nhập TPP (66%) thì doanh nghiệp FDI lại tỏ ra thận trọng hơn (25%). Kết quả cho thấy, doanh nghiệp đánh giá Hiệp định TPP nếu được ký kết sẽ mang lại nhiều cơ hội và triển vọng cho Việt Nam. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc quan trọng cần thực hiện ở phía trước như phổ biến các thông tin về nội dung Hiệp định và chuẩn bị cho các hoạt động sau ký kết.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI lần đầu tiên được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) xây dựng và công bố năm 2005 nhằm mục tiêu thúc đẩy chất lượng điều hành kinh tế của các chính quyền địa phương tại Việt Nam. Mục tiêu quan trọng là thúc đẩy các chính quyền cấp tỉnh ngày càng minh bạch, năng động và có năng lực cạnh tranh về chất lượng điều hành.

Trong 10 năm phát triển, PCI đã luôn hướng đến mục tiêu xuyên suốt là phản ánh chân thực “tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về môi trường kinh doanh ở các địa phương qua thước đo là sự hài lòng của họ đối với bộ máy công quyền.

- Trên 88.000 là số lượt doanh nghiệp đã tham gia trả lời khảo sát PCI trong 10 năm. Nếu tính trên số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thì trung bình cứ 5 doanh nghiệp sẽ có 1 doanh nghiệp từng tham gia trả lời PCI

- 147 là số văn bản về PCI được các tỉnh, thành phố ban hành để cải thiện môi trường kinh doanh từ PCI.

- 63 là số tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản về PCI. Như vậy tất cả tỉnh, thành trên toàn quốc đã ban hành các văn bản chỉ đạo và chương trình hành động về cải thiện PCI.

- 257 hội thảo về PCI đã được tổ chức trên cả nước với sự tham dự của gần 42.000 lượt lãnh đạo, cán bộ ở các địa phương đã tham dự hoạt động về PCI.

- Trên 1 triệu lượt bài báo và tin tức trên internet đã đăng tải các sự kiện về PCI hoặc sử dụng PCI như một công cụ phân tích về môi trường kinh doanh các địa phương.

Xuân Cúc