Tổng giám đốc PetroVietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi họp giao ban. (Nguồn: PVN) |
Nỗ lực cao nhất cho mục tiêu quản trị
Năm 2023, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) đã ban hành quyết định về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 trong toàn PetroVietnam. Đáng chú ý, PetroVietnam đặt mục tiêu tăng trưởng trên nền rất cao của kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 với nhiều kỷ lục mới đã được thiết lập.
Để thực hiện mục tiêu, PetroVietnam đề ra nhiều giải pháp cụ thể trên tất cả các mặt hoạt động, trong đó, việc tận dụng mọi cơ hội thúc đẩy phát triển, bảo đảm tốc độ tăng trưởng trong dài hạn; khai thác các yếu tố dư địa tạo tăng trưởng mới thông qua đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ và phát triển, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài.
Tại giao ban kết quả sản xuất kinh doanh quý I/2023 (ngày 3/4), triển khai kế hoạch quý II/2023, Ban Kinh tế và Đầu tư đánh giá các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đều hoàn thành, bám sát kế hoạch về doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước.
Cùng các đơn vị tập trung thảo luận, đánh giá về từng lĩnh vực, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho thực hiện kế hoạch quý II/2023, Tổng giám đốc PetroVietnam Lê Mạnh Hùng nhận định tình hình quý II còn nhiều khó khăn, thách thức, các đơn vị cần nhất quán mục tiêu quản trị, cân đối kết quả thực hiện quý I và phân bổ cho các quý còn lại, phân từng nhóm lĩnh vực để làm cơ sở bám sát, kiểm soát và điều hành cho cả năm 2023.
Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ về quản trị, nhân sự, tài chính, đầu tư, hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP)… Cùng với đó, cần tập trung giải pháp để bảo đảm hoạt động an toàn của mỏ, tổ chức các cuộc họp chuyên đề trong lĩnh vực khoan nhằm đưa ra các giải pháp duy trì sản lượng khai thác; cập nhật, rà soát thường xuyên tiến độ các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm và đề ra kế hoạch quản trị đối với các mốc tiến độ.
Sau tham luận của các đơn vị, toàn Hội nghị thảo luận, góp ý để bổ sung, hoàn thiện những giải pháp cho từng đơn vị, hài hòa trong hệ sinh thái, lợi ích chung của toàn Tập đoàn. Những ý kiến góp ý xoay quanh các giải pháp để tối ưu ba động lực chính cho tăng trưởng là sản xuất, kinh doanh thương mại và đầu tư, như: thúc đẩy tiến độ triển khai các giải pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm; tận dụng lợi thế về vốn, thương hiệu đẩy mạnh kinh doanh, mở rộng thị phần; phát huy vai trò dẫn dắt và vị thế của Tập đoàn, hỗ trợ các đơn vị tiếp cận và đi vào dòng chảy thương mại quốc tế…
Trước đó, chủ trì buổi làm việc bàn về các giải pháp ứng phó với biến động thị trường, Tổng giám đốc PetroVietnam Lê Mạnh Hùng lưu ý rằng, trong nửa đầu tháng 3/2023 bức tranh kinh tế vĩ mô xấu hơn so với dự báo, các thị trường xuất khẩu khó khăn, giảm mạnh so với cùng kỳ 2022 là những tín hiệu rất khó lường, tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, năm 2023 Tập đoàn đã nhận diện được những khó khăn, diễn biến theo dự báo để xác định mục tiêu, kế hoạch thực hiện; đồng thời thường xuyên cập nhật, trao đổi để có những giải pháp, cách thức ứng phó, bám sát mục tiêu đề ra.
Theo đó, lãnh đạo PetroVietnam đề nghị Tập đoàn và các đơn vị tập trung cao vào việc bám sát các diễn biến của thị trường, đặc biệt là thị trường tài chính, thị trường sản phẩm liên quan đến năng lượng-dầu thô, khí và sản phẩm chế biến (lọc dầu, hoá dầu, phân bón...) để có những giải pháp điều hành, liên thông từ khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn kho đến sản xuất, tổ chức kinh doanh...; tập trung rà soát lại những biến số, điều kiện biên độ khi xây dựng kế hoạch điều chỉnh, giảm thiểu những tác động xấu và phân tích, lựa chọn những cơ hội phát sinh.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực sản xuất, cần tối ưu chi phí vận hành, bảo dưỡng để giảm thiểu các sự cố, kiểm soát lại các định mức, tối ưu về sản xuất, nâng cao năng suất, công suất. Trong hoạt động kinh doanh cần phải cân đối chuỗi cung-cầu, tính toán xây dựng kịch bản tối ưu trong hệ sinh thái PetroVietnam theo chuỗi liên kết, đánh giá, tận dụng tối đa các cơ hội kinh doanh trong biến động.
Buổi họp giao ban của PetroVietnam, ngày 3/4. (Nguồn: PVN) |
Chinh phục kỷ lục cao của năm 2022
Trải qua năm 2022 với nhiều khó khăn, nhưng PetroVietnam đã đạt được thành tích ấn tượng với những con số kỷ lục trong 48 năm hình thành và phát triển.
Theo đó, Tập đoàn đạt kỷ lục về sản lượng khai thác dầu thô với 8,98 triệu tấn, vượt 28% kế hoạch năm; sản lượng sản xuất và xuất khẩu phân đạm với 1,88 triệu tấn, vượt 17% kế hoạch, xuất khẩu 606 nghìn tấn, đóng góp 37,4% giá trị xuất khẩu phân bón; sản xuất xăng dầu đáp ứng khoảng 75% nhu cầu xăng dầu trong nước. Tổng doanh thu của Tập đoàn đạt 931,2 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 82 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước với 170,6 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 9,6% trong tổng thu ngân sách nhà nước. Đây cũng là năm PetroVietnam quyết liệt xử lý có hiệu quả các dự án, công trình tồn đọng.
Để tiếp tục duy trì sự tăng trưởng, phát triển bền vững, trong bối cảnh các điều kiện thị trường năm 2023 còn khó khăn hơn so với năm 2022 là thách thức lớn đối với Tập đoàn nói chung, đặc biệt với các đơn vị khâu sau của ngành dầu khí (khí, điện, đạm, lọc hóa dầu và phân phối sản phẩm) nói riêng.
Ngay trong những tháng đầu năm 2023, các đơn vị khí, điện, đạm, lọc hóa dầu và phân phối sản phẩm dầu khí đối mặt với nhiều khó khăn do biến động của thị trường, kinh tế, tài chính tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, giá dầu giảm so với cùng kỳ năm 2022, giá phân bón giảm sâu, nguồn khí trong nước bước vào giai đoạn suy giảm nhanh, đặc biệt là nguồn khí giá rẻ.
Bên cạnh đó, sự phát triển của năng lượng tái tạo đã làm nhu cầu sử dụng khí cho sản xuất điện giảm, đồng thời việc huy động không ổn định dẫn đến số lần khởi động và ngừng nhà máy tăng đáng kể ảnh hưởng đến suất hao nhiệt và tăng tần suất xảy ra sự cố; tiêu thụ các sản phẩm không thuận lợi do khó khăn chung của kinh tế toàn cầu; thị trường kinh doanh các sản phẩm cạnh tranh gay gắt.
Ngày 28/3, tại Hội nghị các giải pháp tối ưu nguồn lực, thúc đẩy sản xuất kinh doanh khâu sau, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Lê Xuân Huyên đề nghị các đơn vị “nhìn thẳng vào thực tiễn để đưa ra giải pháp”, tập trung đánh giá rõ các dư địa còn lại của năm 2023 và các giải pháp để tận dụng các dư địa đó, lượng hóa cụ thể kết quả đạt được, làm rõ bức tranh hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, đưa ra được giải pháp hữu hiệu.
Từ thực tế, các đơn vị khâu sau trong Tập đoàn đã vạch ra cụ thể nhiều vấn đề, đề xuất giải pháp hạn chế ảnh hưởng từ những tác động tiêu cực, tối ưu nguồn lực và thúc đẩy sản xuất kinh doanh của đơn vị mình. Trong đó, các đơn vị tập trung triển khai giải pháp tối ưu năng suất lao động, đảm bảo an toàn, tối ưu công nghệ, bảo dưỡng, tăng sản lượng, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy các nguồn lực sẵn có...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng khẳng định đóng góp quan trọng của khâu sau trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của Tập đoàn. Các đơn vị khâu sau cần tiếp tục triển khai các giải pháp chung, xuyên suốt như: phát huy tối đa các nguồn lực, động lực để tăng trưởng; tận dụng hiệu quả kinh tế chia sẻ; tập trung khai thác và mở rộng thị trường trên cùng một hệ sinh thái.
Ông Lê Mạnh Hùng cũng chỉ ra cần triển khai đồng bộ, kịp thời các nhóm giải pháp cụ thể, gồm: tiết kiệm, tối ưu năng lượng tiêu thụ, nguyên vật liệu; đảm bảo an toàn, tối ưu vận hành của các nhà máy; đa dạng hóa nguyên liệu, sản phẩm; tăng cường kết hợp và chia sẻ các nguồn lực; mở ra các thị trường mới; thúc đẩy các giải pháp quản trị trong đầu tư, cơ chế chính sách, quản trị biến động; rà soát xây dựng dữ liệu nhân sự kỹ thuật chuyên môn sâu… Đặc biệt là cần thiết xây dựng cơ chế động viên, khuyến khích rõ ràng, minh bạch, đủ sức tạo động lực cho các tập thể, cá nhân phát huy năng lực, sức sáng tạo đóng góp vào thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của các đơn vị, tập đoàn.