Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cảnh báo gần 68,4% trẻ em trong độ tuổi 1-14 ở Việt Nam đang phải đối mặt với một dạng thức bạo lực trong gia đình. Tại 30 quốc gia thu thập được dữ liệu điều tra, khoảng 6/10 trẻ một tuổi thường xuyên bị kỷ luật bằng bạo lực. Ông suy nghĩ như thế nào về những con số này?
Trước hết, là một người có chuyên môn trong lĩnh vực này, tôi cho rằng con số kia đáng để suy ngẫm, đáng để giật mình, là tiếng chuông cảnh tỉnh mỗi người, mỗi gia đình. So với những nghiên cứu của chúng tôi trên bình diện khoa học thì những con số ấy không quá xa lạ và không có độ "vênh".
Là người Việt, tôi nghĩ những con số đó là điều đáng để trăn trở vì chúng ta cần xem xét lại chính mình trong ứng xử và chăm sóc trẻ. Tôi nghĩ, chúng ta cũng cần có cái nhìn khách quan hơn và tương tác trong quan niệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, trách phạt… của người Việt và với thế giới. Đặc biệt, chúng ta nên đúc rút, soi rọi lại quan điểm nhân văn và hiện đại toàn cầu trong giáo dục trẻ.
Thực tế, vấn đề chúng ta cũng cần nhìn nhận ở chỗ không ít bậc cha mẹ vẫn nghĩ rằng “thương cho roi cho vọt”. Vì vậy, việc bản thân mình đang phạm phải bạo lực với con trẻ nhưng vẫn không nhận thức đúng và đủ là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Theo nhận định của tôi, điều này không hiếm đối với những nước đang phát triển nói chung.
PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn. (Ảnh: NVCC) |
Theo ông, có những nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này?
Thực tế cho thấy, có vô vàn nguyên nhân dẫn đến thực trạng bạo hành trẻ. Thế nhưng chúng ta có thể nhận thấy một số nguyên nhân cơ bản như sau.
Thứ nhất, nhận thức về vấn đề giáo dục con cái, giáo dục và đối xử với trẻ nhỏ đang có vấn đề.
Thứ hai, các bậc cha mẹ và trẻ nhỏ hiểu biết về bạo lực, bạo hành và luật có liên quan còn hạn chế.
Thứ ba, không ít cá nhân là người trưởng thành những vẫn còn mơ hồ về giá trị sống, kỹ năng sống cũng như kỹ năng tác động - giáo dưỡng người khác.
Hơn thế nữa, kiểu ứng xử bản năng, hành vi và thói quen được sao chụp hay kiểu "tôi nghĩ, tôi tưởng" làm mọi vấn đề trở nên trầm trọng hơn, phức tạp…
Trong thông cáo phát đi ngày 1/11 của UNICEF, trên toàn thế giới, có những trẻ chỉ mới 12 tháng tuổi đang bị đối xử bạo lực. Điều đáng ngại nhất là đối tượng có hành xử bạo lực lại thường chính là cha mẹ hoặc những người có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng các em. Như vậy, hẳn việc phòng chống bạo lực đối với trẻ em càng khó khăn hơn?
Phòng chống bạo lực đối với trẻ em càng khó khăn hơn vì vốn dĩ trẻ em không thể tự chủ lên tiếng ở mọi tình huống, hoàn cảnh. Hơn thế nữa, trẻ em luôn “mang danh nghĩa” được sự che chở, bao bọc của chính người thân, người nuôi dưỡng.
Tuy nhiên, điều đáng nói, nếu chính người thân chưa hiểu thế nào là yêu thương - giáo dục và bạo hành, vẫn hàng ngày vi phạm thì hiểm nguy với trẻ em tiềm ẩn cao hơn là điều dễ hiểu. Khi các bậc cha mẹ, ông bà chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vấn đề bảo vệ trẻ, về việc yêu thương và trách phạt trẻ thì tình trạng trẻ bị bạo hành sẽ vẫn chưa có lối thoát.
Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nên cần bảo vệ. (Nguồn: giadinh.net) |
Từ đó, theo ông, cần có những biện pháp gì để “cứu” trẻ?
Tôi nghĩ, chúng ta cần tác động song song và toàn cục bởi trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, cần được bảo vệ hiệu quả và nhanh chóng nhất. Một mặt, các vấn đề truyền thông thay đổi về bạo lực, bạo hành, quyền trẻ em phải được đảm bảo một cách nghiêm túc nhất, thiết thực nhất. Bản thân mỗi người cần phải hiểu đúng về vấn đề bảo vệ trẻ em, quyền trẻ em, phòng chống bạo hành trẻ em để bảo vệ con em mình thoát khỏi tệ nạn bạo hành.
Mặt khác, cần đẩy mạnh hơn nữa chương trình hành động bảo vệ trẻ em, hướng dẫn trẻ em biết bảo vệ chính mình và phản kháng với những hành vi bạo hành của người nuôi dưỡng, người thân hay thậm chí chính cha mẹ mình…
Ở những xã hội phát triển cũng gặp phải sự “va đập” khi chính con cái bảo vệ mình bằng cách phản ứng hay tố cáo cha mẹ bạo hành mình. Thế nhưng rõ ràng, bước chuyển để thừa nhận quyền và trách nhiệm của mình, quan hệ công bằng, tôn trọng là điều cần làm.
Có thể khẳng định rằng, mỗi một quốc gia hay thời đại nào cũng đều có những kinh nghiệm rất đáng quý trong việc bảo vệ trẻ khỏi bị xâm phạm. Việc các bậc cha mẹ phải học làm cha mẹ, thay đổi suy nghĩ làm cha mẹ sao cho văn minh, đúng pháp luật rất quan trọng. Những gì liên quan đến sự thay dổi quả không phải dễ dàng. Nhưng vấn đề quan trọng cần nhìn nhận là nếu không thay đổi thì chính chúng ta sẽ thụt lùi và làm cản trở sự phát triển của xã hội
Hơn thế nữa, chúng ta cũng có thể học hỏi về kinh nghiệm tuyên truyền của các câu lạc bộ nhóm. Cộng đồng và nhóm luôn tiếp cận và hướng sự thay đổi đi theo một chiều hướng mới và đảm bảo tính nhân văn. Có thể nói, tương tác nhóm trong những trường hợp này có thể bảo vệ trẻ, vừa nhằm đẩy mạnh sự phát triển của xã hội.
Xin cảm ơn PGS!
Theo Quỹ nhi đồng LHQ (UNICEF), tại 30 quốc gia thu thập được dữ liệu điều tra, khoảng 6/10 trẻ 1 tuổi thường xuyên bị kỷ luật bằng bạo lực. Gần 1/4 trẻ 1 tuổi bị lắc người để trừng phạt và gần 1/10 em bị đánh hoặc tát vào mặt, đầu hoặc tai.Trên toàn thế giới, 1/4 trẻ dưới 5 tuổi (khoảng 176 triệu em) đang sống với mẹ đã bị bạn tình của mẹ hành hạ. Tại 28 quốc gia có dữ liệu điều tra, trung bình 90% trẻ em gái vị thành niên từng bị ép quan hệ tình dục nói rằng thủ phạm xâm hại tình dục là người quen của các em. Dữ liệu từ 6 quốc gia cho thấy thủ phạm xâm hại tình dục với các trẻ em trai vị thành niên thường là bạn bè, bạn cùng lớp và bạn tình. Cũng từ báo cáo này, một tỉ lệ giật mình khác nữa là cứ 7 phút trên toàn cầu lại có 1 trẻ vị thành niên tử vong do bạo lực. Tại Việt Nam, khoảng 20% trẻ em gái và trẻ em trai 8 tuổi nói rằng các em bị trừng phạt thân thể ở trường. Khoảng 16% (tương đương 1,7 triệu) trẻ em độ tuổi 5-17 được coi là lao động trẻ em. Trong đó có 7,8% làm việc trong các điều kiện nguy hiểm. Theo UNICEF, trong giai đoạn 2011-2015 ở Việt Nam đã ghi nhận 5.300 vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, chủ yếu là trẻ em gái. |