PGS.TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. |
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, GDP tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.
PGS.TS. Tô Trung Thành cho rằng, GDP 6 tháng đầu năm 2021 đã hồi phục ở mức độ nhất định và cao hơn nhiều so với mức tăng 1,82% của cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 4 từ cuối tháng 4/2021, tại một số địa phương trọng điểm nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu của Việt Nam như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Bình Dương... và mới đây nhất là “đầu tàu” kinh tế TP. Hồ Chí Minh, đã đặt ra những thách thức rất lớn đến doanh nghiệp và nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm.
Sức chịu đựng của doanh nghiệp bị bào mòn
Một trong những trụ cột của nền kinh tế là doanh nghiệp và đây cũng là yếu tố quan trọng để Việt Nam thành công đạt được mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong năm 2020.
Sức chịu đựng bền bỉ của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khu vực tư nhân, quy mô nhỏ và vừa, với thuộc tính linh hoạt đã giúp Việt Nam vượt qua các đợt dịch trong năm 2020 và đạt được kết quả kinh tế tốt hơn so với mặt bằng chung của thế giới.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khả năng ứng phó đối với làn sóng Covid-19 mới của các doanh nghiệp đang giảm dần. Đại dịch kéo dài quá lâu đang bào mòn sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm, có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể; tăng đến 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, 35.607 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng hơn 22% so với cùng kỳ và chiếm xấp xỉ 51% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm 2021.
Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) khảo sát nhanh trên 100 doanh nghiệp bằng hình thức online cho thấy, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này, có đến 84% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn.
Trong đó, 40% thiếu vốn kinh doanh; thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%; phải cắt giảm lao động chiếm 52%; bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%; bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%...
Các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với áp lực lớn nhất hiện nay là thiếu vốn và giá nguyên liệu tăng lên chưa biết điểm dừng, chi phí sản xuất tăng cao làm cho sức cạnh tranh thị trường giảm. Nhiều doanh nghiệp muốn tái cấu trúc, chuyển đổi sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số đẩy mạnh mua bán online… nhưng đang kẹt về vốn.
Ngoài ra, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lần thứ nhất tuy kịp thời nhưng thực thi chưa có tác động rõ nét đến doanh nghiệp, mức độ hấp thụ của doanh nghiệp rất thấp.
HUBA cho hay, một số chính sách giãn thuế, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất… đối với doanh nghiệp tuy đã giúp doanh nghiệp bớt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền nhưng thời gian áp dụng ngắn, số lượng không lớn nên chưa thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
PGS.TS Tô Trung Thành cũng nhận thấy, không chỉ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cả các doanh nghiệp có quy mô lớn cũng đã bắt đầu gặp khó khăn khi đại dịch kéo dài và ngày càng khó đoán định.
Các doanh nghiệp đang gặp những bất lợi lớn từ phía tổng cầu suy giảm, cộng thêm những khó khăn gia tăng từ chi phí đầu vào, như giá năng lượng, giá thuê đất, giá cả sản xuất tăng nhanh.
Song song với đó, những biện pháp phòng chống dịch thiếu nhất quán giữa các địa phương cũng đang ảnh hưởng lớn đến chi phí vận chuyển, logistics, cũng như có khả năng làm đứt gãy chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp...
Đại dịch Covid-19 đặt ra những thách thức rất lớn đến doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021. (Nguồn: Sohu) |
Giải bài toán khó cho tăng trưởng
Đối với tăng trưởng kinh tế, PGS. TS. Tô Trung Thành cho rằng, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong cả năm như đã đề ra, theo tính toán, tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt hơn 7%. "Đây là một con số rất áp lực trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và nguồn cung vaccine còn hạn chế”.
Theo PGS. TS. Tô Trung Thành, năm nay, Chính phủ đề ra mục tiêu kép, chống dịch và phát triển kinh tế và ở thời điểm hiện tại, Việt Nam cần tập trung ưu tiên hơn cho mục tiêu chống dịch.
Để giải bài toán khó tăng trưởng kinh tế năm nay, PGS. TS Tô Trung Thành cho rằng, có 7 khuyến nghị cần lưu ý.
Thứ nhất, chính phủ cần có những bước đi kiên quyết, đúng đắn và kịp thời để kiềm chế sự lây lan bùng phát của đại dịch Covid-19, đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine, đi kèm là các biện pháp gia tăng sự đồng lòng và ý thức của người dân trong phòng chống dịch bệnh.
Thứ hai, cần tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là một động lực quan trọng cho tăng trưởng trong giai đoạn đầu tư khu vực tư nhân còn rất khó khăn.
Thứ ba, chính sách hỗ trợ tín dụng nên hướng đến cả các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng do đại dịch, nhưng có độ lan tỏa lớn, có tác động tích cực đến các ngành, các lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường.
Thứ tư, cần hướng dòng tiền vào khu vực sản xuất thực, kiểm soát cung tiền nhưng cho phép nới lỏng tín dụng hơn ở các ngân hàng thương mại đảm bảo các điều kiện về an toàn. Kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” của các thị trường tài sản.
Thứ năm, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch cần được thực hiện theo hướng tập trung hơn, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp hơn.
Cần có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ, dựa trên một số tiêu chí như tính lan tỏa, tác động tích cực tới các ngành, lĩnh vực khác; tạo nhiều công ăn việc làm; có khả năng phục hồi sau đại dịch.
Thứ sáu, cần giảm thiểu các thủ tục đối với doanh nghiệp khi lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ, điển hình là yêu cầu phải chứng minh tài chính chi tiết, chứng minh về việc không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương.
Thứ bảy, cần thực hiện những giải pháp mang tính dài hạn để chuyển đổi căn bản mô hình tăng trưởng, gia tăng chất lượng tăng trưởng, ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ số. Nhờ đó, nền kinh tế mới có thể duy trì sản xuất trong đại dịch, hồi phục nhanh chóng sau đại dịch và tiến tới phát triển bền vững.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.