📞

Phá bỏ điều cấm kỵ lâu nay, EU chạm tới ‘điểm khởi đầu’ trong tham vọng thúc đẩy hợp tác quốc phòng nội khối

Hải An 06:39 | 13/09/2023
Sáng kiến mua chung vũ khí sẽ giúp các quốc gia EU bổ sung được nguồn dự trữ, tăng cường khả năng tương tác giữa các lực lượng vũ trang.
EU cùng với các quốc gia thành viên cung cấp viện trợ quân sự trị giá 20 tỷ Euro cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra tại quốc gia Đông Âu này hồi tháng 2/2022. (Nguồn: Shutterstock)

Ngày 12/9, Nghị viện châu Âu (EP) thông qua sáng kiến trị giá 300 triệu Euro (320 triệu USD) nhằm thúc đẩy việc mua chung vũ khí của các quốc gia thành viên.

Quyết định này được cho là một phần trong nỗ lực chung của khối nhằm củng cố ngành công nghiệp quốc phòng châu lục.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã khiến Liên minh châu Âu (EU) phải gấp rút tăng cường sản xuất vũ khí do việc cung cấp cho Kiev đã làm cạn kiệt các kho dự trữ quân sự. Đây là kế hoạch đầu tiên nhằm khuyến khích việc mua chung trong EU và sẽ chứng kiến liên minh chi trả lên đến 20% các hợp đồng liên quan đến ít nhất 3 quốc gia thành viên.

Theo nghị sĩ châu Âu Michael Gahler, sáng kiến sẽ giúp các quốc gia EU bổ sung được nguồn dự trữ, tăng cường khả năng tương tác giữa các lực lượng vũ trang, củng cố ngành công nghiệp châu Âu và góp phần vào sự ủng hộ vững chắc của khối dành cho Ukraine.

Tuy nhiên, nhà lập pháp này cũng lưu ý rằng, đây mới chỉ là "điểm khởi đầu" của những tham vọng tăng cường hợp tác quốc phòng trong nội bộ EU.

Kế hoạch trên đã bị mắc kẹt ở Quốc hội từ nhiều tháng qua do các nhà lập pháp tranh cãi nhau về phạm vi và ngân sách được đề xuất đã bị cắt bớt đi từ mức 500 triệu Euro. Số tiền còn lại được dành cho mục đích lớn hơn nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất vũ khí châu Âu mà Brussels đã thông qua trong những tháng gần đây.

Xung đột Nga-Ukraine đã tạo ra động lực lớn cho các nỗ lực quốc phòng của EU cũng như dẫn đến việc khối này phá bỏ điều cấm kỵ lâu nay là trả tiền cho các vũ khí được gửi đến vùng chiến sự. EU hiện đang đàm phán các hợp đồng chung về việc cung cấp đạn pháo 155 mm như một phần của nỗ lực nhằm gửi 1 triệu quả đạn pháo cỡ nòng này đến Kiev trong vòng 12 tháng.

Theo Cơ quan quốc phòng EU, đến nay, khối này đã ký 8 hợp đồng khung về mua hàng và giờ đây, việc đặt hàng sẽ phụ thuộc vào các quốc gia thành viên.

Liên minh cho biết đã cùng với tất cả các quốc gia thành viên cung cấp viện trợ quân sự trị giá 20 tỷ Euro cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra tại quốc gia Đông Âu này hồi tháng 2/2022.

(theo The European Conservative)