Trong tuyên bố ngày 5/5, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết Pháp kiên quyết phản đối các bình luận của Tổng thống Trump về loạt vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris ngày 13/11/2015, đồng thời yêu cầu nhà lãnh đạo Mỹ tôn trọng các nạn nhân trong vụ tấn công đẫm máu nhất ở Pháp kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 trên.
Tuyên bố nhấn mạnh mỗi nước đều có quyền tự do quyết định về luật sở hữu vũ khí, và Pháp tự hào là quốc gia có các quy định kiểm soát súng đạn chặt chẽ.
Nhiều chính trị gia ở Pháp, trong đó có thị trưởng thành phố Paris, cũng thể hiện sự bất bình trước phát biểu của Tổng thống Mỹ Trump trước đó một ngày về đạo luật súng đạn ở Pháp. Chung quan điểm trên, cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande, người đứng đầu nước Pháp thời điểm xảy ra vụ tấn công năm 2015, cho rằng các bình luận của ông Trump là "đáng xấu hổ".
Cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng lên tiếng chỉ trích bình luận của ông Trump là "đáng xấu hổ". |
Trong khi đó, tại Anh cũng có nhiều kiến phản đối bình luận của ông Trump cho rằng các vụ tấn công bằng dao ở London là do các quy định kiểm soát súng đạn chặt chẽ. Giới bác sỹ phẫu thuật ở Anh cho biết có nhiều cách để giải quyết tình trạng bạo lực, song đề xuất trang bị súng cho người dân không phải là một giải pháp. Theo họ, các vết thương do súng đạn có nguy cơ gây tử vong cao hơn gấp hai lần so với vết thương do bị đâm dao.
Các vụ tấn bằng dao ở London đã tăng 23% trong năm 2017. Số người thiệt mạng trong các vụ tấn công bằng dao và xả súng từ đầu năm 2018 đến nay đã khiến hơn 50 người thiệt mạng. Chính phủ Anh chính thức cấm người dân sở hữu súng sau một vụ xả súng tại trường học hồi năm 1996.
Trước đó, ngày 4/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích các đạo luật súng đạn nghiêm khắc tại các nước như Pháp và Anh, cho rằng trong loạt vụ khủng bố ở Paris hồi năm 2015 khiến 130 người thiệt mạng, nếu người dân được trang bị súng, "mọi chuyện đã rất khác".
Phát biểu tại đại hội thường niên của Hiệp hội Súng đạn quốc gia Mỹ (NRA), ông Trump cam kết không siết chặt các đạo luật kiểm soát súng đạn, đồng thời một lần nữa kêu gọi trang bị vũ khí cho giáo viên và tăng cường an ninh trường học nhằm ngăn chặn các vụ xả súng tại trường học trong tương lai. Đây là những biện pháp được NRA ủng hộ.
Với hơn 5 triệu thành viên, NRA từ lâu được xem là một lực lượng chính trị có sức ảnh hưởng lớn tại Mỹ luôn bảo vệ quyền sở hữu súng được quy định trong Hiến pháp Mỹ.
Kể từ vụ thảm sát trường học tại bang Florida, Tổng thống Trump đã khẳng định sẽ không ủng hộ một lệnh cấm súng trường, một yêu cầu chủ chốt của phong trào phản đối bạo lực súng đạn trong giới trẻ Mỹ.
Thay vào đó, ông Trump đề xuất một lệnh cấm đối với "bump stock" - một thiết bị "độ" súng bán tự động thành súng tự động, được hung thủ sử dụng trong vụ thảm sát tại một buổi hòa nhạc ở Las Vegas khiến 58 người thiệt mạng hồi tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một luật kiểm soát súng đạn mới cấp liên bang được ban hành.