📞

Phải có tình yêu mới đi được đường dài...

10:33 | 13/05/2017
Mang tên của cha và mẹ ghép lại nhưng nghệ sĩ dương cầm Bích Trà (đang sinh sống tại Anh) lại chọn cho mình con đường nghệ thuật tự lập và không phụ thuộc vào ánh hào quang của bậc sinh thành.

Ai cũng biết Nguyễn Bích Trà là con gái cưng của NSND Trà Giang và Giáo sư, nghệ sĩ violin nổi tiếng Bích Ngọc. Tuy nhiên, khi nhắc đến chị người ta thường chỉ nghĩ đến một nghệ sĩ Việt thành danh ở nước ngoài: nghệ sĩ piano gốc Việt đầu tiên có được hợp đồng ghi âm solo với hãng đĩa nổi tiếng Naxos, người đã có công làm sống lại tên tuổi nhạc sĩ tài hoa Joachim Raff sau hơn một thế kỷ ông bị quên lãng ở châu Âu, người Việt Nam đầu tiên được trao tặng danh hiệu ARAM (Associate of the Royal Academy of Music, thành viên của Viện âm nhạc Hoàng gia Anh)...

Nghệ sĩ dương cầm Bích Trà.

Cần vượt lên định kiến

Không thể phủ nhận việc sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật đã góp phần  mở đường cho những thành công của nghệ sĩ Bích Trà hôm nay. Chị cũng nói rằng “mình thật may mắn” nhưng may mắn đó đi liền với “thử thách” và cả “định kiến”. Không biết có phải vì vậy không mà ở nữ nghệ sĩ này luôn có sự điềm đạm, không phô trương và khá dè dặt khi nói về những thành công của bản thân mình.

Bích Trà cho biết, khi nghĩ về cha mẹ, chị không nhìn thấy ánh hào quang hay sự nổi tiếng mà chỉ nhìn thấy ở họ là những nghệ sĩ lao động hết mình vì nghệ thuật. Là con gái của nghệ sĩ violin, chị đã được cha cho học violin ngay từ khi học mẫu giáo. Tuy nhiên, sau một thời gian học violin, chị đã phải chào thua và nhận ra chỉ có piano mới có thể hấp dẫn được mình.

Vì vậy, vào năm 14 tuổi, chị đã quyết tâm một mình sang Nga theo học piano tại trường Sư phạm Âm nhạc Quốc gia Liên Xô (cũ), rồi sau đó Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky (Nga). Sau này, khi sang Anh học, chị lại phải đối diện với môi trường cạnh tranh rất khốc liệt  tại Viện âm nhạc Hoàng gia Anh.

Bích Trà kể rằng, tại Anh, nơi cần một nghệ sĩ piano thì có tới hàng trăm lá đơn thí sinh ứng tuyển cho công việc biểu diễn hoặc giảng dạy. Khi được hỏi “đến từ quốc gia không có truyền thống âm nhạc cổ điển, vậy chị đã làm gì để khẳng định bản thân?”,  chị nói rằng: “Người Việt Nam chúng ta thường bị định kiến là nước ngoài luôn gắn Việt Nam với hình ảnh của chiến tranh, nghèo đói, hay không có âm nhạc cổ điển... Tôi không thể xóa bỏ mọi định kiến nhưng sẽ cố gắng học đến nơi đến chốn và sau đó chinh phục lại họ”.

Yêu nghề “đậm sâu”

Theo Bích Trà, nếu học chỉ để chứng minh danh hiệu thì chưa thực sự hiệu quả. Chị nói: “Tình yêu nghề là quan trọng nhất và phải có tình yêu một cách đậm sâu, mới có thể đi được đường dài”. Đặc biệt, nữ nghệ sĩ rất quan tâm đến việc nuôi dưỡng những tài năng âm nhạc cổ điển Việt Nam trong tương lai. Ý thức được những hạn chế của môi trường học tập trong nước, chị cố gắng giúp đỡ các em bằng tất cả những kinh nghiệm và trải nghiệm trong thành công của mình.

Dù hoạt động nghệ thuật bận rộn ở ngoài nước, Bích Trà vẫn sắp xếp những chuyến về Việt Nam biểu diễn và kết hợp giảng dạy cho sinh viên âm nhạc cổ điển tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Chị cũng tìm thấy niềm vui khi có dịp được biểu diễn cho cộng đồng người Việt trong chương trình Duyên dáng Việt Nam, khi đón Tết tại Đại sứ quán, hay chương trình Xuân Quê hương...

Bích Trà tâm sự, sinh sống tại Anh đã 20 năm và nhưng lòng chị luôn hướng về quê hương. Đời sống thu nhập của một nghệ sĩ âm nhạc cổ điển không cao nhưng chị vẫn có thể tham gia thiện nguyện với những hoạt động có thể chạm tới trái tim mình. Mới đây, chị đã theo Facing The World - tổ chức y tế thiện nguyện của Anh về nước biểu diễn tại Hà Nội nhằm gây quỹ chữa trị và phẫu thuật cho 18.000 trẻ em bị dị tật sọ mặt và thiết lập các trung tâm điều trị sọ mặt tại Việt Nam.

Với Bích Trà, khoảnh khắc cảm thấy ấm áp nhất là mỗi lần về nước biểu diễn chị có được những ngày sống bình yên bên mẹ. Chính phẩm chất và lối sống giản dị của người mẹ - nghệ sĩ từng là gương mặt vàng của Điện ảnh cách mạng Việt Nam đã ảnh hưởng lớn đến tính cách nữ nghệ sĩ dương cầm luôn khiêm nhường và lao động nghệ thuật nghiêm túc.

“Ngày từ bé, tôi đã học được ở mẹ sự chỉn chu, chăm chỉ mỗi khi đọc kịch bản, nghiên cứu nhân vật để cho ra những thước phim có giá trị . Con đường nghệ thuật của tôi trải qua không ít gian nan và cố gắng. Tuy nhiên, tôi không coi thành quả là cái đích mà chỉ phấn đấu hết mình vì tình yêu nghệ thuật”, chị nói.