📞
Gương điển hình tiên tiến Bộ Ngoại giao giai đoạn 2017-2019:

Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO: Tiếng nói văn hóa của Việt Nam ra thế giới

10:00 | 26/08/2020
TGVN. Những năm qua, hoạt động của Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO luôn gắn liền với việc bảo vệ và phát huy những quyền lợi về văn hóa (văn hóa hiểu theo nghĩa rộng) của Việt Nam, đồng thời đóng góp tiếng nói, củng cố vị trí, hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên lĩnh vực phát triển văn hóa của thế giới.

Tập thể Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO

Phái đoàn được thành lập và hoạt động từ năm 1978 sau khi Việt Nam tham gia chính thức UNESCO (1976) và Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam ra đời (1977). Phái đoàn là cơ quan đại diện ngoại giao chính thức của Việt Nam bên cạnh UNESCO và tại Tổ chức quốc tế Pháp ngữ OIF tại Paris.

Từ 2017-2019, với tổng quân số là 4 cán bộ với môi trường, tính chất công việc gắn chặt với UNESCO, một tổ chức được coi là Ngôi nhà trí tuệ, văn hóa của thế giới, bởi vậy, các công việc, thành tích đạt được của Phái đoàn đều liên quan đến việc bảo vệ và phát huy những quyền lợi về văn hóa (văn hóa hiểu theo nghĩa rộng) của Việt Nam, đồng thời đóng góp tiếng nói, củng cố vị trí, hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên lĩnh vực phát triển văn hóa của thế giới.

Thành tích đầu tiên mà tập thể Phái đoàn đạt được trong những năm 2017-2019 tại UNESCO và OIF là làm đậm nét một hình ảnh Việt Nam là một thành viên chủ động, tích cực với các công việc chung của Thế giới, để lại những ấn tượng, dấu ấn tốt đẹp về vai trò của Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn có những biến động đáng kể của hai tổ chức này.

Năm 2017, tập thể Phái đoàn đã “vào cuộc” với vai trò thành viên Hội đồng Chấp hành (HĐCH) UNESCO với một nhiệm vụ đặc biệt là tham gia hỗ trợ ứng cử viên của ta vào chức Tổng Giám đốc UNESCO. Một mặt, Phái đoàn đã trực tiếp “lăn xả” cùng ứng cử viên để cố gắng đến càng sát mục tiêu vận động các nước bầu cho ứng cử viên ta, mặt khác Phái đoàn còn rất chú trọng thực hiện một mục tiêu cơ bản vô cùng quan trọng xuyên suốt “chiến dịch” là thông qua cuộc vận động để quảng bá cho hình ảnh, con người, chính sách của Việt Nam. Do đó, mặc dù ứng cử viên của ta không trở thành TGĐ UNESCO nhưng thông qua chiến dịch quảng bá, uy tín của Việt Nam đã lên rất cao tại Tổ chức này.

Trong suốt 3 năm qua, tập thể Phái đoàn đã củng cố và phát huy không ngừng vị thế, uy tín của Việt Nam với việc tham gia một cách thực chất, chủ động, tích cực vào sâu các công việc của UNESCO cũng như OIF. Phái đoàn tham gia hầu hết các nhóm làm việc về các nội dung chủ chốt nổi lên của 2 tổ chức này trong khuôn khổ nhiều kỳ họp Hội đồng Chấp hành (HĐCH), 2 kỳ Đại hội đồng (ĐHĐ) 39 và 40 của UNESCO, các kỳ họp các ủy ban Pháp ngữ, các kỳ họp Hội đồng thường trực, Hội nghị Bộ trưởng, và Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao Pháp ngữ 2018 và được đánh giá là một thành viên có nhiều những đóng góp cụ thể, thiết thực và luôn mang tính xây dựng tại hai tổ chức này. Có những thời điểm, những nơi chúng ta còn đóng vai trò đi đầu, dẫn dắt như việc ta đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN-UNESCO (tháng 1- tháng 6/2018), qua đó tăng cường vai trò, sự đoàn kết của khối ASEAN cũng như vai trò Việt Nam.

Ngoài ra, Phái đoàn đã đảm nhiệm hiệu quả vị trí Chủ tịch Ủy ban kinh tế Pháp ngữ từ cuối 2018 đến nay với vai trò đi đầu thúc đẩy hợp tác kinh tế tại không gian Pháp ngữ và vai trò thành viên Hội đồng quản trị Cơ quan đại học Pháp ngữ (AUF) từ 2017 cho đến nay. Với việc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị thành viên UNESCO và Pháp ngữ OIF sẽ là cách giúp Phái đoàn tiếp nối phát huy một cách cơ bản hiệu quả nhất truyền thống, bản sắc văn hóa của Ngoại giao Việt Nam.

Trong lĩnh vực phát triển văn hóa của thế giới thông qua UNESCO, Phái đoàn đã trực tiếp đóng góp trong tất cả các kỳ họp, hầu hết các nhóm làm việc quan trọng nhất liên quan đến các công ước, chương trình mang tính văn hóa, giáo dục, khoa học và thông tin của UNESCO. Đặc biệt, đối với các hoạt động trực tiếp mang tính văn hóa hoặc liên quan đến bảo vệ quyền lợi văn hóa của Việt Nam, Phái đoàn đã luôn quan tâm và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Triển khai Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà Văn hóa kiệt xuất ở nước ngoài”, ngoài các hoạt động kỷ niệm các ngày sinh nhật Bác hàng năm mà Phái đoàn vẫn phối hợp với Sứ quán, các Cơ quan đại diện khác, với hội đoàn Người Việt của ta tại Pháp để triển khai, Phái đoàn đã tổ chức được hai sự kiện lớn như: chủ trì tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 30 năm Nghị quyết của ĐHĐ UNESCO về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trụ sở UNESCO. Sự kiện đã thu hút khoảng 500 khách mời đến dự buổi lễ trong đó có Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova, Chủ tịch ĐHĐ và Chủ tịch HĐCH và nhiều Đại sứ, Trưởng Phái đoàn các nước tại UNESCO (trong đó có Đại sứ Trung Quốc, Nga, Pháp, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Cuba, Algérie, các nước ASEAN...). Việc ta tổ chức sự kiện này tại trụ sở của UNESCO vào đúng thời gian ĐHĐ UNESCO lần thứ 39 họp đã giúp thu hút thiện cảm và sự ủng hộ của đông đảo các nước thành viên UNESCO, bạn bè Pháp và quốc tế. Thông qua đó giúp đẩy lùi các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản cách mạng đã và đang ráo riết xuyên tạc, cố tình làm giảm ý nghĩa của Nghị quyết của UNESCO.

Ngoài ra, Phái đoàn đã phối hợp với Cục lưu trữ Quốc gia Việt Nam tổ chức thành công triển lãm “Hồ Chí Minh-Danh nhân Văn hóa” nhân dịp Kỷ niệm 100 năm ra đời Tuyên bố yêu sách của Nhân dân An Nam 1919-2019, tại Trụ sở UNESCO. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự sự kiện này nhân chuyến thăm chính thức Pháp.

Phái đoàn vận động thành công UNESCO cùng kỷ niệm 650 năm ngày mất của Danh nhân Chu Văn An (1292-1370) vào năm 2020 và nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp lần thứ 206 của HĐCH UNESCO và ĐHĐ 40 UNESCO 2019.

Phái đoàn cũng chú trọng việc vận động, hỗ trợ, phối hợp để các chuyên gia của Việt Nam được bầu và phát huy vai trò tại các bộ máy, hệ thống chuyên môn chủ chốt mà ta có nhiều lợi ích tại UNESCO như tại Ủy ban đánh giá hồ sơ văn hóa phi vật thể, hội đồng chuyên gia CVĐCTC; vận động thành công trong một “cuộc đua khốc liệt” năm 2018 để Việt Nam được bầu vào vị trí thành viên Ủy ban điều phối quốc tế Chương trình Con người và Dự trữ sinh quyển (chương trình MAB). Ngoài ra, Phái đoàn cũng đã đạt được một số thành công bước đầu khi giành được sự ủng hộ của một số nước cho vị trí thành viên HDCH, UBDSTG, UB liên chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong những năm tới của Việt Nam.

Với các hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, vật thể, các danh hiệu UNESCO khác, Phái đoàn phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia Việt Nam, UBQG UNESCO Việt Nam, các lãnh đạo địa phương trong quá trình xây dựng, bảo vệ hồ sơ để UNESCO công nhận. Phái đoàn vẫn đang tiếp tục theo dõi, vận động cho nhiều hồ sơ khác của ta đang đệ trình UNESCO.

Phái đoàn đã bảo vệ thành công nhiều vấn đề liên quan đến lợi ích, uy tín của Việt Nam và các địa phương trong các vấn đề bảo tồn di sản văn hóa khác như Hạ Long, Tràng An, Phong Nha Kẻ Bàng... tại trụ sở UNESCO và tại các kỳ họp UBDS thế giới lần thứ 41 (2017), 42 (2018) và 43 (2019). Bên cạnh đó, Phái đoàn đã tích cực đóng góp vào việc nâng cao nhận thức, đóng góp chính sách, pháp luật trong vấn đề bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa, thiên nhiên, tư liệu tại Việt Nam và việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam trong các vấn đề di sản.

Ngoài ra, Phái đoàn giúp tạo cơ hội cho các địa phương có di sản, công viên địa chất toàn cầu, khu dự trữ sinh quyển có thể kế nối, học hỏi các đối tác quốc tế về công tác quản lý di sản (như Hà Giang, Cao Bằng), hoặc giúp việc quảng bá hình ảnh di sản và địa phương tới các nước thành viên UNESCO như với Hà Nội, Phú Yên, Đăk Nông, Phú Thọ, Ninh Bình, Huế...

Không chỉ vậy, trong thời gian qua Phái đoàn đã thúc đẩy giải quyết các vấn đề pháp lý thủ tục để triển khai hoạt động hợp tác thực tế giữa 2 Viện dạng hai của UNESCO về Toán và Vật lý tại Việt Nam và Bộ phận Khoa học tự nhiên UNESCO.

Phái đoàn theo dõi, báo cáo kịp thời cho các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan về các xu hướng phát triển, các dự án của UNESCO trong các lĩnh vực và có những kiến nghị cụ thể cho hoạt động của phía Việt Nam. Đặc biệt, trao đổi phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký UNESCO - Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO cũng như với các với Ban thư ký các lĩnh vực chuyên môn như Di sản Thế giới, Di sản Phi vật thể, Giáo dục bền vững, Ủy ban hải dương học..., và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội để tư vấn, hỗ trợ ý tưởng trong việc triển khai các hoạt động UNESCO trên phạm vi quốc gia và khu vực.

Đồng thời, Phái đoàn chủ trì hoặc phối hợp, tham gia cùng với các cơ quan đại diện khác của Việt Nam tại Pháp trong nhiều sự kiện quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp.

Hoàn thành tốt vai trò thành viên Ban Tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa của nhóm châu Á-Thái Bình Dương tại UNESCO trong suốt 3 năm qua. Phái đoàn cũng luôn tích cực phối hợp, tham gia cùng Đại sứ quán ta tại Pháp, Hội người Việt Nam tại Pháp tổ chức các buổi lễ kỷ niệm lớn của Việt Nam như Tết Nguyên Đán, ngày Quốc khánh 2/9... cũng như các hoạt động đón đoàn cấp cao...