Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao nước Việt Nam DCCH Phạm Văn Đồng thăm nước CHND Trung Hoa (ngày 10/11/1954). |
Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Ông đã dành nhiều thời gian, công sức cho việc xây dựng chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời bình; bồi dưỡng cán bộ, cơ cấu lại bộ máy của Bộ Ngoại giao và mạng lưới hoạt động đối ngoại cho phù hợp với nhiệm vụ khôi phục, phát triển đất nước và đấu tranh thống nhất nước nhà. Nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao Việt Nam đã được Ông dìu dắt trưởng thành và trở thành những cán bộ chủ chốt của Bộ Ngoại giao. Những hoạt động ngoại giao của Ông để lại dấu ấn văn hóa sâu đậm trong nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, làm giàu thêm bản sắc ngoại giao Việt Nam.
Ông còn là một Bộ trưởng Ngoại giao có tài hùng biện, ứng xử, chuyện trò hài hước, tế nhị, có tính thuyết phục tranh thủ được dư luận và lòng người. Trên các diễn đàn quốc tế và trong các cuộc tiếp xúc, trả lời phỏng vấn, Ông đều nêu bật tầm vóc của một lãnh tụ ngang tầm thời đại.
Nhiều đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành sau khi làm việc với Ông, đều hỏi bí quyết làm thế nào mà Ông cập nhật những tin tức, kể cả cấu trúc mới của ngôn ngữ nước ngoài. Ông cười sảng khoái: "Phải tích cực đọc thôi, phải lao động thôi". Đối với Phạm Văn Đồng - đã thành thói quen "nghiền" các thông tin, một ngày lượng thông tin đến với Ông ít hơn hôm trước là Ông đã săn đón hỏi và tỏ ra không vui. Khi mắt còn sáng, Ông rất tích cực đọc báo, đặc biệt là báo Le Monde và Le Monde Diplomatique, ngoài ra còn nghe các băng cassettes. Có lần, nhà báo Jean Huleau, Giám đốc khu vực của Hãng thông tấn AFP (Pháp) sau khi được bác Đồng tiếp, đã tỏ ra rất khâm phục về nội dung cuộc phỏng vấn và ngôn ngữ Pháp văn của Ông, thậm chí họ còn nói ngay ở Pháp, rất ít nhân sĩ trí thức nói hay và dí dỏm như vậy.
Họ còn ca ngợi cách trả lời thông minh của bác Đồng và thú nhận đã cố tình hỏi một câu biết là sẽ rất khó trả lời và chắc rằng Ông sẽ lúng túng, nhưng sau khi được trả lời họ rất bất ngờ. Đó là năm 1983, vấn đề Campuchia đang nổi cộm. Họ hỏi: "Ngài có nhận xét gì về những phát biểu của ông Sihanuk gần đây?". Bác Đồng cười vui vẻ trả lời ngay: "Thế giới nói và bình luận nhiều về ông Sihanuk, ông ta cũng nói nhiều về mình. Tôi thấy không có gì để nói thêm". Nhà báo Jean Huleau, bình luận: "Trả lời mà không trả lời, tôi thật bất ngờ và thú vị về câu trả lời này. Thật tuyệt vời!".
Bác Đồng cũng là người rất tình cảm. Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Ông vẫn quan tâm đến từng bức thư của nhân dân gửi đến và đích thân trả lời. Xin nêu một ví dụ: Có một cháu ở Hà Bắc viết thư phàn nàn là vì có họ tên trùng với Ông, nên hay bị các bạn trêu đùa, mong muốn xin bác Đồng đổi tên cho. Bác Đồng viết thư trả lời, hỏi han việc học hành của cháu đó và động viên cháu học tập cho tốt để sau này phục vụ đất nước. Còn việc đổi tên, Ông nói rằng cái tên là do bố mẹ đặt cho, nó rất thiêng liêng, cháu nên giữ. Nếu cháu muốn đổi tên thì xin ý kiến bố mẹ…
*
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đi xa, nhưng tầm vóc của Người đối với ngành Ngoại giao, với quốc tế vẫn còn vang vọng, những hình ảnh của Người về Hội nghị Fontainebleau năm 1946 ở Pháp, về Hội nghị Genève 1954 ở Thụy Sĩ với những bài diễn văn đanh thép hùng hồn, những cuộc trả lời phỏng vấn quan trọng có tính chiến lược còn rất ấn tượng đậm nét trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngành ngoại giao xin có vài lời tri ân đối với Ông - người anh cả của Ngoại giao Việt Nam - và nguyện học tập đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính và tinh thần đấu tranh ngoại giao kiên cường, kiệt xuất của Ông. n
Trần Tam Giáp (*)(*) Tác giả nguyên là Thư ký Văn phòng Thủ tướng Phạm Văn Đồng; nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập, Israel, Kuwait và CH Ảrập Syria.