📞

Phân biệt giới trong Ngành Công nghệ Mỹ: Câu hỏi chưa có lời giải

13:00 | 25/03/2017
Các công ty công nghệ Mỹ đang tiêu tốn hàng trăm triệu USD để cải thiện điều kiện làm việc cho các lao động nữ, song thực tế vẫn chưa có nhiều thay đổi.

Lý do lớn nhất là sự phân biệt giới tính. Thống kê cho thấy chỉ có 1/4 công việc liên quan đến máy tính và toán học tại Mỹ là do nữ giới đảm nhận - con số này thậm chí còn giảm đôi chút trong vòng 15 năm qua mặc dù năng lực của họ đã có những bước phát triển rất lớn trong lĩnh vực này. Phụ nữ không chỉ ít được tuyển dụng hơn nam giới, tỷ lệ rút lui khỏi ngành này cũng cao hơn, bị soi mói nhiều hơn, ít được các nhà đầu tư quan tâm hơn... Phần lớn họ đều ít nhất một lần bị phân biệt giới tính ở nơi làm việc.

Lao động nữ tại thung lũng Silicon. (Nguồn: Flickr)

Chuyện bình thường ở Thung lũng Silicon

Một nghiên cứu khác tại Thung lũng Silicon cho thấy, 66% nữ giới bị loại khỏi các cơ hội thăng tiến vì lý do giới tính; 90% đã từng chứng kiến các hành vi phân biệt giới tính tại các hội thảo và hội nghị; 88% không được khách hàng tin tưởng; 60% bị quấy rối tình dục từ cấp trên; 30% luôn lo lắng cho sự an toàn của bản thân.

Đã có nhiều nhà nghiên cứu đưa ra các giải thích tại sao có rất ít phụ nữ tham gia vào lĩnh vực công nghệ, lý do họ không muốn phải làm việc quá muộn, hay việc nữ giới trong lĩnh vực này cũng giỏi giang không kém nam giới. Nhưng những dữ liệu thống kê này lại không nhất quán với một số nghiên cứu trên, đại loại như: lĩnh vực nào càng coi trọng tài năng, lĩnh vực đó càng có ít nữ giới có bằng Tiến sỹ; thành công trong công nghệ phụ thuộc rất nhiều vào tài năng xuất chúng, và như vậy thì dễ hiểu tại sao phụ nữ lại ít có tiếng nói trong lĩnh vực này.

Trong suốt thời gian dài, sự chênh lệch về giới tính trong ngành công nghệ luôn bị coi là điều rất bình thường. Khi Tracy Chou đến thử việc tại công ty Google năm 2007, cô chia sẻ, mọi người thường hay chế giễu rằng nơi đây toàn là nam giới, nữ giới, nếu có, thì bị đẩy cho làm các công việc ngoài lề, ví dụ như tiếp thị chẳng hạn. “Tại sao lại như vậy, nữ giới nghĩ sao về vấn đề này và làm thế nào để thay đổi?”, cô Chou bức xúc. Đó luôn là những câu hỏi không có lời giải đáp.

Cần sự minh bạch

Tờ San Jose Mercury News đã từng yêu cầu Sở Lao động công khai các dữ liệu về cơ cấu lao động của các doanh nghiệp công nghệ có quy mô lớn. Tuy nhiên, để đáp trả, các doanh nghiệp nói trên đều khẳng định họ cần phải bảo mật các thông tin này bởi nếu không năng lực cạnh tranh của họ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Cô Chou không phải là người duy nhất dám đứng lên đòi sự minh bạch. Ngoài cô, còn có anh Jesse Jackson và tổ chức Rainbow Push Coalition của anh cũng đang nỗ lực đòi lại công lý cho nữ giới và những người da màu. Họ liên tục gây áp lực bắt các doanh nghiệp phải công khai các thông tin về lương và cơ cấu lao động.

Tháng 1/2015, tại triển lãm Điện tử tiêu dùng quốc tế được tổ chức ở Las Vegas, ông Brian Krzanich, quan chức điều hành của tập đoàn Intel, tuyên bố công ty của ông sẽ lập quỹ 300 triệu USD để đa dạng hóa cơ cấu lao động trong vòng 5 năm tới. Hai tháng sau đó, Apple tuyên bố sẽ dành 50 triệu USD để hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận nhằm thu hút nhiều hơn nữ giới và các đối tượng thiểu số tham gia vào lĩnh vực công nghệ. Cũng mùa Xuân năm đó, Google cho biết sẽ tăng ngân sách thường niên từ 115 triệu USD lên thành 150 triệu USD để tăng cường sự đa dạng hóa trong cơ cấu lao động. Tháng 6 vừa qua, 33 doanh nghiệp đã ký cam kết chú trọng nhiều hơn đến vấn đề này.

Muốn thay đổi thực trạng, các doanh nghiệp cần phải ưu tiên hàng đầu cho công cuộc đổi mới cơ cấu lao động. Lấy ví dụ, khi công ty Slack được nhận giải thưởng Tech Crunch dành cho Doanh nghiệp Khởi nghiệp nổi bật nhất, công ty đã cử bốn kỹ sư là phụ nữ da đen lên sân khấu. Kine Camara, một trong số bốn nữ kỹ sư nói trên khẳng định một cách đầy tự hào rằng: "Chúng tôi là kỹ sư phần mềm". Kể từ tháng 9/2015 đến tháng 2/2016, khi Slack đạt được những bước tiến vững chắc, số lượng nhân viên nữ tại đây đã tăng từ 18% lên thành 24%. Đây quả là dấu hiệu tuyệt vời.

(theo The Atlantic)