📞

Phần Lan sắp tiếp nhận chức Chủ tịch OSCE, Nga bác bỏ đồn đoán 'ra đi', chờ sự thể hiện của Helsinki

Bảo Minh 11:35 | 26/12/2024
Ngày 25/12, Đại diện thường trực Nga tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Alexander Lukashevich đã bác bỏ những đồn đoán về việc Moscow có thể rút khỏi tổ chức này.
Nga khẳng đinh không rời OSCE. (Nguồn: Pravda)

OSCE sẽ chuyển giao chức Chủ tịch từ Malta sang Phần Lan vào năm 2025. Đề cập vấn đề này, ông Lukashevich nói: "Chúng ta sẽ xem nhiệm kỳ Chủ tịch của Phần Lan thể hiện như thế nào. Có thể chúng ta sẽ tạo được một 'lối đi' nào đó cho tương lai để duy trì kênh liên lạc này bất chấp toàn bộ vòng xoáy đối đầu".

Mặc dù vậy, nhà ngoại giao Nga cảnh báo, cũng có thể "Phần Lan sẽ phá hủy hoàn toàn diễn đàn này", đồng thời lưu ý trách nhiệm của các nước trong việc duy trì hoạt động của OSCE dù Moscow "lấy làm tiếc vì không thấy có nhân vật nào có trách nhiệm như vậy trong số các nhà lãnh đạo hiện tại".

Hãng tin Sputnik dẫn lời vị đại sứ này nói thêm: “Một thế hệ chính trị gia mới đã xuất hiện, họ không biết lịch sử, mắc sai lầm và không nhìn về tương lai. OSCE được xây dựng trên một lý thuyết khác và nếu nó biến thành điều hoàn toàn trái ngược với chính nó, tổ chức sẽ không còn triển vọng nào".

Bên cạnh đó, Đại diện thường trực của Nga cũng bác bỏ những đồn đoán về việc Moscow có thể rút khỏi tổ chức này, khẳng định rằng ông chưa từng nghe đến kịch bản trên dù OSCE đang trải qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng.

Cho rằng, về mặt pháp lý quốc tế, việc rút khỏi OSCE gần như không khả thi vì tổ chức này không có điều lệ hoạt động chính thức, ông Lukashevich nói rõ: "Một tổ chức quốc tế cần phải có văn bản thành lập (điều lệ). OSCE không có văn bản như vậy và trong tương lai gần cũng chưa có kế hoạch xây dựng điều lệ".

OSCE là một tổ chức an ninh liên chính phủ lớn nhất thế giới, hoạt động theo hiến chương của Liên hiệp quốc, nhằm cảnh báo và ngăn chặn xung đột, kiểm soát khủng hoảng và tái thiết thời hậu chiến.

Tổ chức được thành lập thời chiến tranh lạnh vào năm 1975. Hiện, OSCE có 57 quốc gia thành viên bao gồm Mỹ, Canada, Mông Cổ, các nước thuộc Liên Xô cũ và toàn bộ châu Âu ngoại trừ vùng lãnh thổ Kosovo.