Quy định chung đối với vạch kẻ đường theo QCVN 41:2019/BGTVT
- Vạch kẻ đường là một dạng báo hiệu để hướng dẫn, điều khiển giao thông nhằm nâng cao an toàn và khả năng thông xe.
- Vạch kẻ đường có thể dùng độc lập và có thể kết hợp với các loại biển báo hiệu đường bộ hoặc đèn tín hiệu chỉ huy giao thông.
- Vạch kẻ đường bao gồm các loại vạch, chữ viết, hình vẽ ở trên mặt đường xe chạy, trên thành vỉa hè, trên các công trình giao thông và một số bộ phận khác của đường để quy định trật tự giao thông, khổ giới hạn của các công trình giao thông, chỉ hướng đi quy định của làn đường xe chạy.
- Vạch kẻ đường phải bảo đảm cho xe chạy trên đường êm thuận, đảm bảo độ bám giữa lốp xe và mặt đường, không bị trơn trượt, không cao quá mặt đường 6 mm.
- Khi sử dụng, lựa chọn vạch kẻ đường phải đảm bảo hợp lý về tổ chức giao thông đối với từng tuyến đường và căn cứ vào chiều rộng mặt đường phần xe chạy, tốc độ xe chạy, lưu lượng, phương tiện và người đi bộ tham gia giao thông để quyết định.
- Đối với đường cao tốc, đường có tốc độ thiết kế ≥ 60 km/h và các đường có tốc độ V85 từ 80 km/h trở lên, vạch kẻ đường phải có vật liệu phản quang. Các loại đường khác, căn cứ theo khả năng tài chính và yêu cầu khác mà có thể sử dụng vật liệu phản quang.
(Điều 52 QCVN 41:2019/BGTVT về báo hiệu đường bộ)
Phân loại vạch kẻ đường theo QCVN 41:2019/BGTVT
- Dựa vào vị trí sử dụng, vạch kẻ đường được chia thành hai loại: vạch trên mặt bằng (bao gồm vạch trên mặt đường: vạch dọc đường, ngang đường và những loại vạch khác) và vạch đứng.
+ Vạch trên mặt bằng dùng để quy định các phần đường khác nhau trên mặt bằng có màu trắng trừ một số vạch quy định ở Phụ lục G có màu vàng. Trong một số trường hợp có thể sử dụng các màu sắc khác để nâng mức độ cảnh báo giao thông trên mặt đường.
+ Vạch đứng kẻ trên thành vỉa hè, các công trình giao thông và một số bộ phận khác của đường. Loại vạch này kết hợp giữa vạch vàng và vạch đen hoặc vạch trắng và vạch đỏ.
- Dựa vào phương pháp kẻ, vạch kẻ đường được chia thành ba loại như sau:
+ Vạch dọc đường là vạch kẻ dọc theo hướng xe chạy trên đường;
+ Vạch ngang đường là vạch kẻ có hướng cắt ngang đường hoặc hình thành một góc chéo với hướng xe chạy;
+ Các loại vạch khác là các loại ký hiệu chữ hoặc hình thức khác.
- Dựa vào chức năng, ý nghĩa sử dụng, vạch kẻ đường gồm: vạch hiệu lệnh, vạch cảnh báo, vạch chỉ dẫn, vạch giảm tốc độ.
- Dựa vào hình dáng, kiểu, vạch kẻ đường được chia thành hai loại sau:
+ Vạch trên mặt đường, trên thành vỉa hè (bó vỉa) hoặc ở ranh giới phân cách làn xe, gồm vạch kẻ liền và vạch kẻ đứt khúc;
+ Ký hiệu chữ và ký hiệu hình gồm chữ cái, chữ số hoặc hình vẽ trên mặt đường.
(Điều 53 QCVN 41:2019/BGTVT về báo hiệu đường bộ)
Hiệu lực của vạch kẻ đường
Vạch kẻ đường khi sử dụng độc lập thì người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa của vạch kẻ đường.
Vạch kẻ đường khi sử dụng kết hợp với đèn tín hiệu, biển báo hiệu thì người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa, hiệu lệnh của cả vạch kẻ đường và đèn tín hiệu, biển báo hiệu theo thứ tự sau:
- Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;
- Hiệu lệnh của đèn tín hiệu;
- Hiệu lệnh của biển báo hiệu;
- Hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.
(Điều 55 QCVN 41:2019/BGTVT về báo hiệu đường bộ)