📞

Phán quyết lịch sử của luật pháp và công lý quốc tế

10:23 | 24/08/2016
Ngày 12/7/2016, Phán quyết của Toà Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS) xét xử vụ kiện về một số khía cạnh tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông được công bố đã đánh dấu thắng lợi của luật pháp, công lý quốc tế và tạo ra thay đổi căn bản cho cục diện pháp lý tại Biển Đông.

Tác động này có được là nhờ nội dung khởi kiện khôn khéo của Philippines và các kết luận khách quan, dũng cảm, dựa trên luật pháp quốc tế của Toà Trọng tài.

Philippines đã khởi kiện nội dung gì?

Hồ sơ khởi kiện gồm 15 đệ trình của Philippines dài gần 10.000 trang với tài liệu khởi kiện chính, tài liệu bổ sung và phần trả lời các câu hỏi của Trọng tài tập trung vào 3 vấn đề chính liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS. Thứ nhất, Philippines yêu cầu Toà bác bỏ giá trị pháp lý của yêu sách biển của Trung Quốc từ đường chín đoạn. Thứ hai, Philippines yêu cầu Toà làm rõ quy chế pháp lý của 09 cấu trúc ở Biển Đông, bao gồm: Scarborough, Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập Subi, Gaven và McKennan (bao gồm cả Hughes), Vành Khăn và Cỏ Mây. Thứ ba, Philippines yêu cầu Toà tuyên bố một số hành vi mà Trung Quốc đã thực hiện tại Biển Đông là vi phạm UNCLOS và pháp luật quốc tế.

Toà đã phán quyết như thế nào?

Về đường chín đoạn, Toà kết luận rằng hoàn toàn không có căn cứ pháp lý để Trung Quốc yêu sách các quyền lịch sử đối với tài nguyên tại vùng nước nằm trong đường chín đoạn. Trung Quốc chỉ có quyền tại các vùng biển theo quy định của UNCLOS. Nếu Trung Quốc đã từng có quyền lịch sử đối với tài nguyên ở Biển Đông, những quyền đó cũng đã bị xóa bỏ khi Công ước có hiệu lực do các quyền này không phù hợp với hệ thống quy định về các vùng biển của Công ước. Trên thực tế, Trung Quốc chưa từng có quyền lịch sử đối với các tài nguyên ở Biển Đông do các hoạt động đánh cá và sử dụng biển trong lịch sử của Trung Quốc được thực hiện cùng với các quốc gia khác, thể hiện các quyền tự do của các quốc gia trên biển cả. Trong lịch sử, Trung Quốc chưa từng thực hiện việc kiểm soát một cách độc quyền các vùng biển ở Biển Đông và không có quốc gia nào công nhận quyền lịch sử của Trung Quốc.

Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện chiều ngày 12/7. (Nguồn: Rappler).

Về quy chế pháp lý của các cấu trúc tại Biển Đông, Tòa Trọng tài kết luận rằng tất các cấu trúc nổi tại Trường Sa (bao gồm cả các cấu trúc lớn nhất như Ba Bình, Thị Tứ, Bến Lạc, Trường Sa, Song Tử Đông và Song Tử Tây) đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và không có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.

Đồng thời, Toà trọng tài cũng bác bỏ lập luận của Trung Quốc và khẳng định Trường Sa không thể được yêu sách là một quần đảo thống nhất, nghĩa là không thể vẽ đường cơ sở quần đảo và yêu sách các vùng biển từ đường cơ sở quần đảo đối với Trường Sa. Toà xác định Subi, Hughes, Vành Khăn và Cỏ Mây là cấu trúc chìm trong điều kiện tự nhiên, trong đó Vành Khăn và Cỏ Mây thuộc thềm lục địa của Philippines.

Kết luận của Toà dựa trên đánh giá kỹ thuật về điều kiện tự nhiên ban đầu (trước khi được cải tạo, xây dựng) để làm căn cứ phân loại của các cấu trúc. Đồng thời, Toà sử dụng phương pháp giải thích điều ước được luật quốc tế công nhận như phân tích thuật ngữ của điều khoản, tổng hợp thực tiễn quốc gia, đối chiếu với bối cảnh đàm phán, soạn thảo và mục tiêu của UNCLOS để áp dụng Điều 13 và 121(3) và đưa ra kết luận về địa vị pháp lý và vùng biển cho các cấu trúc tại Trường Sa và Scarborough.

Với các hành vi vi phạm của Trung Quốc, Toà Trọng tài xem xét và kết luận 5 loại hành vi vi phạm khác nhau của Trung Quốc.

Thứ nhất, Toà Trọng tài kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines khi tiến hành các hoạt động can thiệp vào việc thăm dò dầu khí của Philippines tại Bãi Cỏ Rong, ngăn cản các tàu Philippines đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, không ngăn chặn các ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và xây dựng các công trình và đảo nhân tạo tại Vành Khăn mà không được sự đồng ý của Philippines.

Kết luận của Toà dựa trên cơ sở tổng hợp các kết luận ở vấn đề thứ nhất về đường chín đoạn và vấn đề thứ hai về quy chế pháp lý của các cấu trúc của Trường Sa để xác định rằng Vành Khăn, Bãi Cỏ Mây và Bãi Cỏ Rong là cấu trúc chìm, tạo thành một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines và không chồng lấn với bất kỳ vùng biển nào mà Trung Quốc có thể được hưởng theo quy định của UNCLOS.

Thứ hai, Tòa Trọng tài kết luận Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ tôn trọng quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Philippines khi ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận bãi Scarborough/Hoàng Nham sau tháng 5/2012. Kết luận của Toà dựa trên cơ sở Toà công nhận ngư dân Philippines, Trung Quốc và các nước khác có quyền đánh cá truyền thống của tại lãnh hải của Scarborough/Hoàng Nham.

Thứ ba, Toà Trọng tài kết luận rằng Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển khi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hô trong quá trình tiến hành cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo với quy mô lớn tại bảy cấu trúc ở Trường Sa đã và không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc khai thác động vật đang bị tuyệt chủng như rùa biển, san hô và trai khổng lồ với quy mô lớn tại Biển Đông và sử dụng các biện pháp gây hủy hoại nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hô.

Thứ tư, Tòa Trọng tài kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ bảo đảm an toàn hàng hải khi cho phép các tàu chấp pháp liên tiếp tiếp cận tàu Philippines với tốc độ cao và cắt đầu các tàu này ở khoảng cách gần, tạo ra nguy cơ đâm va cao và nguy hiểm cho tàu và người của Philippines.

Thứ năm, Tòa Trọng tài kết luận Trung Quốc đã vi phạm các nghĩa vụ về kiềm chế, làm trầm trọng thêm và kéo dài tranh chấp giữa các bên. Do trong quá trình Toà xét xử, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng đảo nhân tạo lớn tại Vành Khăn, một cấu trúc lúc chìm lúc nổi nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, gây ra hủy hoại lâu dài, không thể phục hồi đối với hệ sinh thái rặng san hô và phá hủy lâu dài các chứng cứ về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc này.

Ý nghĩa của phán quyết lịch sử

Phán quyết đã giúp thu hẹp phần lớn phạm vi tranh chấp về vùng biển giữa các bên tại Biển Đông. Trước đây, với yêu sách đường chín đoạn và cách giải thích rằng Trường Sa là một quần đảo thống nhất có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy chế quốc gia quần đảo thì hơn 85% diện tích của Biển Đông có thể bị coi là có tranh chấp về vùng biển. Từ đó, dẫn tới một loạt các hành động leo thang căng thẳng, hiện thực hoá đường lưỡi bò của Trung Quốc tại các vị trí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Philippines và Malaysia. Hiện nay, với kết luận rõ ràng của Toà Trọng tài, vùng biển có thể bị coi là vùng biển có tranh chấp chỉ còn là các vùng 12 hải lý quanh từng đảo của Trường Sa.

Phán quyết cung cấp cơ sở pháp lý quan trọng để định hướng hành động của các bên trong tranh chấp Biển Đông. Một loạt các hành vi Trung Quốc thực hiện tại Biển Đông đã được kết luận là các hành vi vi phạm UNCLOS và luật pháp quốc tế. Vì vậy, các bên có cơ sở pháp lý để cụ thể hoá các quy định về nghĩa vụ kiềm chế, không làm trầm trọng hoá tranh chấp, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình. Đây cũng là cơ sở giúp Trung Quốc và ASEAN tiếp tục thực thi các cam kết về ứng xử của các bên tại Biển Đông, từ đó, đẩy mạnh quá trình đàm phán và ký kết một Tuyên bố có hiệu lực ràng buộc là Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Phán quyết của Toà Trọng tài cũng giúp dư luận tiến bộ có cơ sở pháp lý để khẳng định lập trường của mình, đứng về luật pháp quốc tế và kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình theo quy định của luật pháp quốc tế. Đây là tiền đề quan trọng để hạn chế việc sử dụng vũ lực và dùng vũ lực, sức mạnh để cưỡng ép các nước nhỏ trong tranh chấp tại Biển Đông.

Phán quyết chưa giải quyết triệt để tranh chấp Biển Đông vì không thể đề cập đến vấn đề chủ quyền. Tuy nhiên, những kết luận của phán quyết sẽ mở ra cơ hội cho các bên đi đến những giải pháp lâu dài và bền vững, dựa trên luật pháp quốc tế để quản lý và hợp tác tại Biển Đông trong tương lai.