📞

Pháo đài kinh tế Nga 'né đạn' trừng phạt đỉnh cao hay bỗng dưng đắc lợi?

Minh Anh 06:06 | 12/05/2023
Nền kinh tế Nga đã được cách ly an toàn khỏi thị trường tài chính toàn cầu nhờ các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và châu Âu. Đây có phải chính là lý do giúp Nga trở lại Top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới?
Pháo đài kinh tế Nga 'né đạn' trừng phạt đỉnh cao hay bỗng dưng đắc lợi? (Nguồn: AP)

Nga trở lại top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới

Theo tính toán của ​​Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) và Cơ quan Thống kê Liên bang Nga (Rosstat), sau gần một thập kỷ, Nga bỗng trở lại top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới giữa bối cảnh khá kịch tính – đang chìm trong cuộc xung đột dai dẳng với Ukraine và bị bủa vây bởi 10 vòng lệnh trừng phạt, sắp bị áp vòng thứ 11.

Theo thống kê, từ khi chiến dịch quân sự của Nga tại Moscow “nổ súng”, hơn 13.000 lệnh trừng phạt, quy định hạn chế giáng vào nền kinh tế và các thực thể Nga, nhiều hơn so với các lệnh trừng phạt áp đặt với Iran, Cuba và Triều Tiên cộng lại.

Tuy nhiên, GDP của Nga chỉ suy giảm 2,1% trong năm 2022 và được IMF dự báo sẽ duy trì tăng trưởng dương trong năm 2023. Điều này cho phép điện Kremlin ra tuyên bố loạt đòn trừng phạt chưa từng có từ phương Tây không hiệu quả.

Trên thực tế, sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Mỹ và EU liên tiếp dựng lên các làn sóng trừng phạt mới để đáp trả Moscow và ngăn dòng tiền có thể chảy về Nga, như đóng băng dự trữ ngoại hối và vàng, hạn chế khả năng của Ngân hàng trung ương trong sử dụng đồng USD và Euro. Không có gì ngạc nhiên khi cộng đồng doanh nghiệp cũng như đa phần giới chức Nga lúc đó đều mường tượng về một sự sụp đổ của nền kinh tế này.

Tuy nhiên, phản ứng nhanh chóng của giới điều hành kinh tế Nga đã mang đến những bước thành công trong ngăn chặn thiệt hại. Nhà chức trách áp quy định về kiểm soát vốn, tăng lãi suất chủ chốt lên 20%, ngăn chặn dòng tiền rút khỏi hệ thống ngân hàng sau khi đã có khoảng 2.000 tỷ Ruble (30 tỷ USD) nhanh chóng bị rút ra trong hai tuần đầu sau xung đột Nga-Ukraine. Đến cuối tháng 4/2022, mức tăng lãi suất đối với tiền gửi ngắn hạn cùng với quy định cấm rút ngoại tệ đã khiến người Nga đưa tiền trở lại hệ thống ngân hàng, bằng khoảng 90% số tiền đã rút khỏi tài khoản trước đó.

Hệ thống ngân hàng không gặp vấn đề nghiêm trọng, đồng nghĩa với việc nền kinh tế Nga tạm trụ vững, hoảng loạn bị đẩy lui. Tuy nhiên, hệ lụy trong ngắn hạn vẫn còn, chẳng hạn như dòng chảy vốn bị hạn chế...

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, Elvira Nabiullina, từng ca ngợi các động thái phản ứng nhanh là “một thành tựu quan trọng trong chính sách kinh tế”. Các biện pháp kiểm soát vốn sẽ được Nga áp dụng trong thời gian dài. Thậm chí, nhà chức trách Nga có thể sẽ phải đưa ra những giải pháp mạnh tay hơn.

Trong khi đó, lạm phát cao tại Mỹ cùng với việc Cục Dự trữ liên bang (Fed) tăng nhanh lãi suất đã khiến giá trị trái phiếu nhiều ngân hàng Mỹ nắm giữ giảm giá trị. Việc ba ngân hàng Mỹ sụp đổ trong tháng Ba gây rúng động thị trường, làm xuất hiện đồn đoán về nguy cơ khủng hoảng toàn cầu trong một bộ phận giới phân tích.

Nghịch lý thay, các biện pháp trừng phạt đã củng cố Pháo đài Nga trong ngắn hạn bằng cách cô lập nó khỏi những cú sốc tài chính toàn cầu, nên kinh tế Nga không chịu tác động lây lan đáng kể nào.

Vì quá thân với Trung Quốc?

Tuy nhiên, loạt đòn trừng phạt đã làm thay đổi cơ bản mô thức vận hành kinh tế của chính phủ Nga.

Các lệnh trừng phạt đã tách Nga khỏi những khu vực tiên tiến nhất về công nghệ trong nền kinh tế toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc bất kỳ kế hoạch phát triển kinh tế nào trong tương lai của Nga sẽ lại phải dựa vào nền tảng xuất khẩu các mặt hàng năng lượng, nhiên liệu hóa thạch.

Trước cuộc xung đột, Nga vận hành chính sách kinh tế chủ yếu tập trung vào phát triển công nghệ, đa dạng hóa xuất khẩu thay vì chỉ lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, tự do hóa dòng vốn ở mức tương đối.

Giờ đây, những thành tố này được thay thế bởi kiểm soát vốn, phân định các nước thành nhóm bạn bè và nhóm không thân thiện, nhân dân tệ hóa chi trả thanh toán thương mại và quân sự hóa chi tiêu ngân sách. Xu hướng này sẽ không thay đổi trong tương lai.

Ở một khía cạnh khác liên quan đến cách thức đáp trả của Nga với trừng phạt chính là bùng nổ số lượng các nước bị coi là có hành vi không thân thiện với Nga. Hệ quả là Moscow tăng cường kết nối với các nước từ Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho tới Myanmar và các quốc gia châu Phi.

Và địa chính trị sẽ tiếp tục quyết định chính sách thương mại của Nga trong trung hạn, trong đó có yếu tố chuỗi cung.

Cùng lúc, quan hệ của Nga với đồng minh chủ chốt là Trung Quốc sẽ khiến Moscow ngày càng gia tăng quan hệ thương mại với Bắc Kinh, thậm chí là phụ thuộc. Giá trị trao đổi thương mại song phương Nga-Trung đã tăng trên 30%, lên mức kỷ lục 190 tỷ USD vào năm 2022.

Các mặt hàng năng lượng của Nga chiếm hơn 2/3 giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc. Nga là nhà cung ứng dầu mỏ lớn thứ hai và nhà cung cấp khí hóa lỏng lớn thứ 4 của Trung Quốc. Mức xuất khẩu kỷ lục này đi kèm nguy cơ về khách hàng độc quyền có thể gây ảnh hưởng, áp đặt mức giá, khi vị thế của Nga trong đàm phán ngày một suy yếu.

Việc thanh toán hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Nga và đối tác Trung Quốc phần lớn được thực hiện bằng Nhân dân tệ (NDT), chứ không phải đồng Ruble. Giá trị thanh toán xuất nhập khẩu của Nga bằng đồng NDT đã tăng vọt trong hai năm trở lại đây. Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố Nga sẵn sàng chuyển sang sử dụng đồng NDT trong quan hệ thương mại với nhiều nước khác. Một số người cho rằng, Nga không phải đang thực hiện phi USD hóa mà là NDT hóa.

Ngoài ra, an toàn trước các cú sốc bên ngoài cũng đưa đến hệ lụy Nga ngày một phụ thuộc vào một nhóm nhỏ các đối tác nước ngoài.

Cấm vận trong lĩnh vực công nghệ đã tước đi khả năng của Nga trong phát triển các dự án năng lượng ngoài khơi mới. Nga cũng bị hạn chế khả năng tiếp cận về tua-bin và công nghệ sử dụng trong chế tạo xe tăng, đầu máy xe lửa, ô tô, mạng lưới thông tin thế hệ mới cùng nhiều sản phẩm công nghệ cao khác.

Chính vì vậy, điện Kremlin không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dựa phần lớn vào vào thương mại năng lượng khi lên kế hoạch phát triển kinh tế cho tương lai.

Giới phân tích cho rằng, phụ thuộc quá lớn vào giá năng lượng, trong khi mức chi tiêu ngân sách cho quốc phòng tăng vọt (chi tiêu quốc phòng chiếm khoảng 1/3 ngân sách), đồng nghĩa phát triển kinh tế tại Nga có thể sẽ bị đóng băng trong thời gian tới.

(theo Carnegieendowment)