Không chỉ là cơ quan đại diện quốc gia thực thi các nhiệm vụ ngoại giao, kinh tế -chính trị ở nước ngoài, vị trí và quy mô của đại sứ quán, lãnh sự quán cũng cần xứng tầm với sự quan trọng của quốc gia đó đối với nước sở tại. Đây là nguyên tắc đặc biệt quan trọng với một siêu cường như Mỹ. Một tổ hợp ngoại giao to đẹp nằm ngay khu trung tâm luôn là điều khiến các nhà ngoại giao Mỹ tự hào. Tuy nhiên, đó cũng là yếu điểm an ninh lớn nhất, biến đây trở thành mục tiêu “dễ ngắm” cho các phần tử cực đoan chống đối Washington.
Việc duy trì vị trí là quốc gia có nhiều cơ quan đại diện nhất (29 cơ quan) tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi được xem một thách thức không nhỏ đối với Mỹ. Các cơ quan đại diện của Mỹ tại đây đã trở thành mục tiêu hàng đầu cho các phần tử cực đoan, đỉnh điểm là năm 1979 với các cuộc tấn công liên tiếp vào đại sứ quán Mỹ tại Tehran (Iran), Tripoli (Libya). Chính vì vậy, nước Mỹ đã buộc phải nâng cấp khả năng phòng thủ cho các cơ quan đại diện bề thế của mình trước bom xe và những phần tử đánh bom liều chết.
Một trong những kết quả của việc nâng cấp đó là “pháo đài” của Mỹ tại Cairo, Ai Cập. Được xây dựng vào năm 1981, Đại sứ quán Mỹ nổi bật tại khu ngoại giao cao cấp Garden City với hơn 10 tầng, cao hơn hầu hết các đại sứ quán bên cạnh. Khuôn viên đại sứ quán được ngăn cách với đường lớn bằng một bức tường kiên cố cùng lực lượng an ninh đông đảo ở xung quanh tòa nhà và hai đầu đường. Đây là một công trình có tính đột phá không chỉ trong kiến trúc ngoại giao Mỹ mà còn là của giới ngoại giao quốc tế. Đại sứ quán Mỹ tại Cairo, ở vị trí trung tâm nổi bật với một diện mạo “bề thế và kiên cố”, cho thấy tầm quan trọng của Washington trong chính sách của Ai Cập song hành với sự đảm bảo an toàn cho công tác ngoại giao tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Tạp chí New York Times (Mỹ) đã gọi đây là “một lời nhắc nhở nghiêm túc về sự hiện diện của Mỹ ở Ai Cập”.
Đại sứ quán Mỹ tại Cairo với lính gác xung quanh. (Reuters) |
Năm 1983, khi tòa nhà ngoại giao tại Ai Cập sắp hoàn thành, một vụ đánh bom vào Đại sứ quán Mỹ ở Beirut (Lebanon) đã nhắc nhở kiến trúc sư phải tăng cường các tính năng an ninh mới cho tòa nhà như xây dựng những bức tường có khả năng chịu được sức công phá của một vụ nổ tương đương lượng thuốc nổ khoảng 1 tấn TNT. Hệ thống kính cũng được thay thế bằng loại chắc chắn hơn. Để duy trì tính an toàn cao, các kiến trúc sư buộc phải cô lập tòa nhà bằng những bức tường kiên cố, và cách biệt những cán bộ ngoại giao bằng những lớp kính dày.
Năm 1985, sau sự cố tại Beirut, Washington đã đưa ra Báo cáo Inman về vấn đề an ninh của các Đại sứ quán Mỹ trên thế giới, trong đó đề cập đến điểm yếu an ninh lớn nhất của Đại sứ quán Mỹ tại Cairo: kích thước nhỏ và vị trí quá trung tâm. Theo báo cáo này, Đại sứ quán Mỹ ở Cairo cần rộng từ 4 - 6 ha, ở xa trung tâm thành phố. Đương nhiên, các nhà ngoại giao không mấy thích thú khi phải làm việc xa trung tâm thành phố. Hàng loạt các lý do đã được nêu ra, từ vấn đề giao thông bất tiện đến việc cho đây là “hành động cho thấy sự hiện diện của nước Mỹ tại quốc gia sở tại đang sa sút”.
“Khu tổ hợp ngoại giao Mỹ tại Cairo là một lời nhắc nhở nghiêm túc về sự hiện diện của Mỹ ở Ai Cập.” - New York Times (1981). |
Trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn tiếp tục “đau đầu” với các lựa chọn để duy trì “hình ảnh và an ninh” cho các cơ quan đại diện tại hải ngoại, các “pháo đài” của họ vẫn liên tục gặp vấn đề. Năm 2009, ông John Kerry, khi đó là Thượng nghị sĩ, đã chỉ trích “nước Mỹ đang xây dựng một trong những đại sứ quán xấu chưa từng thấy”. Tuy nhiên, sự hy sinh về mỹ quan kiến trúc này cũng không làm “pháo đài cô lập” của Mỹ ở Cairo an toàn hơn trước sự giận dữ của đám đông Hồi giáo trong sự kiện 11/9/2012. Cùng thời điểm, vụ tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ tại Libya đã khiến 4 người Mỹ thiệt mạng.
Bên cạnh đó, một đại sứ quán “xa xôi” cũng không đảm bảo được an ninh cho các nhà ngoại giao. Tháng 9/2012, Đại sứ quán Mỹ tại Tunisia đã được xây dựng và vận hành suốt 10 năm theo mô hình mới tại một vùng ngoại ô xa trung tâm thành phố Tunis, đã không ngăn cản nổi cuộc tấn công của đám đông biểu tình giận dữ. Tuy không một cán bộ ngoại giao Mỹ nào bị thương nhưng lòng kiêu hãnh của người Mỹ đã bị tổn hại nghiêm trọng. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng từng đưa dinh thự Đại sứ Mỹ ở Cairo đến quận Maadi, ngoại ô phía Nam Cairo, nhưng tình trạng ách tắc giao thông tại đây đã khiến Chính phủ Mỹ không thể chịu nổi.