📞

Pháo tự hành mới nhất Koalitsiya-SV của Nga được thử nghiệm ở chế độ 'Bão lửa'

Trung Hiếu 12:54 | 01/02/2021
TGVN. Pháo tự hành mới nhất của Nga "Koalitsiya-SV" đã thực hiện thành công khả năng khai hỏa ở chế độ "Bão lửa" trong cuộc thử nghiệm bắn trúng mục tiêu bằng 6 quả đạn đồng thời, nguồn tin từ Tổ hợp công nghiệp-quân sự cung cấp cho Sputnik.
Pháo tự hành mới nhất Koalitsiya-SV của Nga. (Nguồn: Sputnik)

Nguồn tin của Sputnik giải thích rằng, ở chế độ "Bão lửa", "Koalitsiya-SV" bắn theo các quỹ đạo đạn đạo khác nhau để các quả đạn bắn liên tiếp từ một khẩu pháo tự hành trúng mục tiêu cùng một lúc.

"Quả đạn đầu tiên được bắn ở góc nâng cao của súng bằng cách sử dụng toàn bộ công suất. Sau đó góc của súng được hạ xuống, vì vậy đối với quả đạn thứ hai, công suất phóng nhỏ hơn để nó bay dọc theo quỹ đạo phẳng hơn với tốc độ thấp hơn và bắn trúng mục tiêu tương tự như mục tiêu đầu tiên. Rồi góc giảm một lần nữa, quả đạn thứ ba được phóng, công suất thậm chí còn nhỏ hơn. Và cứ tiếp theo như vậy", nguồn tin cho biết thêm rằng, các loại đạn có công suất khác nhau được nạp trước vào bộ nạp tự động của pháo tự hành.

Người cung cấp thông tin cho Sputnik nhấn mạnh, hệ thống điều khiển hỏa lực của "Koalitsiya-SV" cung cấp khả năng tính toán tự động gần như tức thời các góc nâng của súng và tạm dừng giữa các lần bắn cho chế độ "Bão lửa", tùy thuộc vào tầm bắn tới mục tiêu, vị trí lắp đặt, điều kiện thời tiết, hướng gió...

Theo đó, "Chỉ cần nhập tọa độ mục tiêu vào tổ hợp máy tính của pháo tự hành hoặc truyền chúng qua kênh dữ liệu của hệ thống điều khiển cấp chiến thuật thống nhất".

Ngoài ra, nguồn tin cho biết thêm, hệ thống điều khiển của thiết bị thực hiện các điều chỉnh trong quá trình bắn, có tính đến tốc độ bay thực của đạn, được đo bởi trạm radar của "Koalitsiya-SV".

Chế độ “Bão lửa” là gì?

Chế độ "Bão lửa" (Multiple Rounds Simultaneous Impact - Tấn công đồng thời nhiều quả đạn) được thiết kế để tổ chức tập kích bằng pháo binh sử dụng nhiều hoặc chỉ một bệ súng. Một số loại pháo đã có khả năng bắn ở chế độ này như, pháo PzH 2000 của Đức có thể phóng cùng lúc 5 quả đạn vào một mục tiêu; pháo AMOS hai nòng của Thụy Điển-Phần Lan có cỡ nòng nhỏ hơn - có thể phóng cùng lúc tới 8 quả.

(theo Sputnik)