TIN LIÊN QUAN | |
Nghị quyết Hội nghị TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển | |
ASEAN - Ấn Độ thúc đẩy hợp tác biển | |
Hợp tác biển: Ưu tiên của ASEAN |
Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (gọi tắt là Nghị quyết 36) do Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tháng 10/2018 ban hành thể hiện tầm nhìn chiến lược xa, rộng và tư duy đột phá nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh. Với phương châm “chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển”, Nghị quyết 36 kế thừa và phát triển những thành quả từ thực tiễn đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển thời gian qua, đề ra các giải pháp triển khai phù hợp với hoàn cảnh đất nước và xu thế thời đại.
Yêu cầu khách quan trong hợp tác quốc tế về biển
Biển và đại dương luôn được coi là “nguồn sống” do đóng vai trò thiết yếu cho việc duy trì sự sống trên trái đất. Chiếm hơn 70% diện tích bề mặt trái đất, biển và đại dương không chỉ kết nối các lục địa, là không gian hoạt động, tương tác quan trọng của các quốc gia mà còn tạo nền tảng cho cuộc sống của loài người.[1] Hợp tác quốc tế về biển là yêu cầu tất yếu nhằm bảo vệ “nguồn sống” quan trọng này thông qua việc hài hòa hóa các hoạt động trên biển và giải quyết những vấn đề xuyên biên giới cố hữu của biển và đại dương, nhất là vấn đề môi trường.
Nghị quyết số 36 do Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tháng 10/2018 ban hành thể hiện tầm nhìn chiến lược xa, rộng và tư duy đột phá nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh. |
Biển Đông là vùng biển giàu tài nguyên và có các tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương nên đóng vai trò quan trọng đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực. Với vị trí địa chiến lược quan trọng này, Biển Đông cũng là nơi diễn ra cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro xung đột, bất ổn về an ninh, đồng thời cũng gặp phải nhiều thách thức về an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, hoạt động phạm tội trên biển.
Việt Nam là quốc gia ven Biển Đông với bờ biển 3260 km, đứng hàng đầu so với các nước trong khu vực, đem lại cho nước ta hơn 700.000 km2 vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (Công ước Luật Biển 1982). Việt Nam còn có hơn 3000 hòn đảo lớn, nhỏ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do những yếu tố phức tạp của lịch sử, địa lý và pháp lý, tại Biển Đông cũng có nhiều tranh chấp liên quan đến Việt Nam về chủ quyền, lãnh thổ và phân định biển chưa được giải quyết. Hơn nữa, với bờ biển chạy dọc Biển Đông, môi trường phát triển của đất nước liên quan mật thiết đến tình hình an ninh, truyền thống và phi truyền thống, tại vùng biển này.
Thực tiễn khách quan nói trên đòi hỏi việc coi trọng mở rộng quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển để khai thác tối đa các tiềm năng mà biển đem lại cũng như để giải quyết, xử lý các thách thức đặt ra nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định tại Biển Đông, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Những thành tựu về đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển
Như hầu hết các quốc gia ven biển khác, Việt Nam ngày càng đề cao hợp tác quốc tế về biển, đặt vấn đề này trong tổng thể chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế và khu vực.
Khẳng định quyết tâm khuyến khích hợp tác biển, năm 1994, Việt Nam phê chuẩn Công ước Luật Biển 1982 trước khi Công ước có hiệu lực. Sự coi trọng vấn đề hợp tác biển tiếp tục được thể hiện trong các văn bản liên quan như Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X năm 2007, “Đề án hợp tác quốc tế về biển đến năm 2020” của Chính phủ năm 2008 và Luật Biển Việt Nam do Quốc hội thông qua năm 2012 v.v… Kết tinh từ các văn bản này là quan điểm nhất quán của Việt Nam về đối ngoại và hợp tác về biển, theo đó Việt Nam chủ trương căn cứ các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982, để giải quyết tranh chấp tại Biển Đông, đồng thời tiến hành hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau về biển với mục đích cùng có lợi và phát triển bền vững. Quan điểm đúng đắn về đối ngoại và hợp tác biển để cùng phát triển của Việt Nam nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, và do vậy việc triển khai trong thời gian qua đã đem lại những thành tựu nhất định.
Việt Nam luôn tích cực phát triển quan hệ với các quốc gia trên thế giới, không ngừng mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về biển (nguồn: Năng lượng mới) |
Trên cơ sở luật pháp quốc tế, Việt Nam đã lần lượt giải quyết được vấn đề phân định biển tại Vịnh Thái Lan với Thái Lan năm 1997, tại Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc năm 2000 và phân định thềm lục địa với In-đô-nê-xi-a năm 2003. Việt Nam cũng có những giải pháp linh hoạt, sáng tạo trong quá trình giải quyết, xử lý tranh chấp như thỏa thuận tiến hành khai thác chung dầu khí với Ma-lai-xi-a tại thềm lục địa chồng lấn giữa hai nước trước khi phân định năm 1992, hay thỏa thuận về hợp tác nghề cá với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ cùng với việc ký hiệp định phân định năm 2000. Việt Nam cũng đã cùng các nước ASEAN ký với Trung Quốc Tuyên bố về ứng xử các bên tại Biển Đông năm 2002 nhằm mục đích duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không tại khu vực, tạo điều kiện cho việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông.
Trong các lĩnh vực chuyên ngành về biển, Việt Nam đã thiết lập được mạng lưới hợp tác quốc tế rộng mở với các nước có tiềm lực kinh tế, khoa học, công nghệ mạnh về biển, với Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, khu vực khác. Nội dung và hình thức hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu và phong phú, trải rộng từ khai thác tài nguyên biển và kinh tế biển như dầu khí, thủy sản, du lịch biển, đảo, vận tải biển, khai thác cảng biển đến bảo tồn tài nguyên, môi trường biển, phát triển khoa học, công nghệ biển v.v…
Việt Nam cũng luôn tích cực phát triển quan hệ với các quốc gia trên thế giới, theo đó không ngừng mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về biển. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia, trong đó đã thiết lập 03 quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, 13 quan hệ đối tác chiến lược và 12 quan hệ đối tác toàn diện. Điểm đáng chú ý là quan hệ đối tác với nhiều nước bao gồm các lĩnh vực khác nhau liên quan đến biển, tạo cơ sở tốt cho việc hợp tác cũng như tận dụng sự hỗ trợ để phát triển kinh tế, khoa học – công nghệ hay bảo vệ môi trường biển.
Có thể nói, thành tựu trong hoạt động hợp tác quốc tế về biển của Việt Nam vừa là một biểu hiện cụ thể của chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước, vừa là kết quả của việc triển khai chủ trương đúng đắn này. Hoạt động đối ngoại nói chung và hợp tác tác quốc tế về biển nói riêng đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường tin cậy chính trị, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa ta với các nước; từng bước giải quyết các tranh chấp trên biển; tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; đồng thời, giúp huy động các nguồn lực, tri thức cần thiết để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển theo Nghị quyết 36
Thế giới ngày nay đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với cơ hội và thách thức đan xen. Sự phát triển của khoa học, công nghệ, nhận thức tăng lên của cộng đồng quốc tế về biển giúp cho các hoạt động sử dụng và khai thác biển đa dạng hơn, đem lại nhiều lợi ích cho nhân loại, song cũng đặt ra không ít sức ép đối với biển và đại dương. Tình hình chính trị - an ninh khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tranh chấp, bất đồng tại Biển Đông và cạnh tranh nước lớn diễn biến phức tạp, gay gắt. Trên con đường hội nhập và phát triển, Việt Nam có nhiều thuận lợi song cũng gặp không ít khó khăn, kể cả trong các vấn đề liên quan đến biển.
Trong bối cảnh đó, phù hợp với chủ trương và đường lối đối ngoại nhất quán mà Đảng đề ra, Nghị quyết 36 khẳng định sự coi trọng đối với công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển. Điều này thể hiện rõ qua việc đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển gắn bó chặt chẽ, trở thành một trong năm (05) chủ trương lớn trong Nghị quyết 36 nhằm xây dựng và duy trì môi trường hoà bình, ổn định và trật tự pháp lý trên biển, tạo cơ sở cho việc khai thác và sử dụng biển an toàn, hiệu quả; tăng cường, mở rộng quan hệ và chủ động tham gia, đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của nhân loại trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương; đồng thời tranh thủ tối đa các nguồn lực, sự hỗ trợ quốc tế để nâng cao năng lực quản lý và khai thác biển.
Nằm trong nhóm bảy (07) giải pháp chủ yếu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế trên biển cũng được định hướng toàn diện, cụ thể trong Nghị quyết 36. Theo đó, nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, một mặt, chúng ta tiếp tục thúc đẩy, tăng cường quan hệ với các nước, nhất là các nước có tiềm lực về biển và trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi; mặt khác, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và các lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia và chủ động, tích cực giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển. Đồng thời, chúng ta cũng chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực; thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế trong việc quản lý, sử dụng, bảo tồn bền vững biển, đại dương và tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vùng biển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào các lĩnh vực về biển. Các giải pháp liên quan đến công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế này có mối quan hệ biện chứng, bổ sung lẫn nhau: giải quyết tranh chấp, qua đó xác định rõ quyền lợi của các quốc gia trên biển, tạo điều kiện cho việc phát triển quan hệ và là cơ sở cho việc hợp tác lâu dài; phát triển quan hệ với các nước và thúc đẩy hợp tác góp phần mở rộng hiểu biết, tin cậy, tạo cơ sở thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp cũng như nâng cao năng lực của mỗi quốc gia trong việc sử dụng và khai thác biển bền vững.
Chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển là nhu cầu thực tế khách quan của mỗi quốc gia. Trên cơ sở quán triệt nguyên tắc, phương châm trong Nghị quyết 36, phát huy những thành tựu, bài học kinh nghệm đã đạt được thời gian qua và với tinh thần sáng tạo trong các biện pháp, giải pháp phù hợp với tình hình quốc tế và khu vực, các ngành, các cấp, các địa phương cần chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Lê Hoài Trung
Ủy viên Trung ương Đảng
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia
Tàu Mỹ tuần tra trên Biển Đông, Trung Quốc "kháng nghị cứng rắn" Tờ The Wall Street Journal trích dẫn các quan chức quân sự Mỹ cho biết, ngày 7/1, một tàu khu trục Mỹ được trang bị ... |
Đề cao pháp quyền, tham gia xây dựng, định hình luật chơi chung ở cấp độ quốc tế Việt Nam vừa được bầu là thành viên Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019-2025. Đây là ... |
Thúc đẩy hợp tác an ninh ở Biển Đông Ngày 4/12, Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy hợp tác an ninh biển ở Biển Đông” do Học viện Ngoại giao (DAV), Đại sứ quán Vương ... |
Bước tiến “chậm mà chắc” trong giải quyết căng thẳng Biển Đông Trong bài viết đăng trên Eastasia Forum, chuyên gia Oel NG, nghiên cứu viên tại Học viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS), Đại học ... |
[1] Biển cung cấp protein, năng lượng (hóa thạch lẫn tái tạo), oxy (đa dạng sinh học biển cung cấp 1/3 lượng khí oxy) và là không gian để con người giao lưu, vui chơi giải trí.