Các cuộc biểu tình đồng loạt diễn ra tại thủ đô Paris, thành phố Lyon, Nates, Bordeaux và Strasbourg, nhưng lượng người tham gia đã giảm rất nhiều. Đây là lần thứ 4 người dân Pháp xuống đường phản đối sắc lệnh cải cách lao động kể từ tháng 9 vừa qua, thời điểm cao trào của làn sóng biểu tình.
Theo ước tính cảnh sát Pháp, có khoảng 8.000 người tham gia cuộc biểu tình ở Paris vào ngày 16/11, ít hơn nhiều so với con số 200.000 người tham gia sự kiện tương tự vào ngày 12/9 vừa qua.
Những người biểu tình phản đối sắc lệnh cải cách lao động của Tổng thống Pháp Macron, ngày 16/11. (Nguồn: BBC) |
Cải cách luật lao động là một trong những kế hoạch cải tổ sâu rộng mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron theo đuổi nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đảo chiều tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 9,5%, gần gấp 2 lần so với các nền kinh tế phát triển ở châu Âu như Anh hay Đức.
Tuy nhiên, những cải cách nói trên ngay khi được đưa ra đã vấp phải sự phản đối của các tổ chức công đoàn và người lao động Pháp. Những người phản đối cho rằng luật mới quá ưu ái giới chủ và đe dọa các quyền cơ bản của người lao động, theo đó các chủ doanh nghiệp có thêm nhiều lý do để biện minh cho việc sa thải người lao động, trong khi quyền lợi của người lao động bị thu hẹp và họ luôn sống trong tình trạng bấp bênh.
Các cuộc biểu tình và đình công phản đối sắc lệnh cải cách lao động bùng phát tại Pháp trong thời gian vừa qua cũng tương tự như các các cuộc biểu tình diễn ra dưới thời người tiền nhiệm của ông Macron là cựu Tổng thống Francois Hollande hồi tháng 3 năm ngoái. Vào thời điểm cao trào của làn sóng biểu tình hồi đó, có tới 400.000 người đã đổ ra đường nhằm bác bỏ nỗ lực của ông Hollande cải cách luật lao động.