Ông Nguyễn Minh Vũ, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế, Bộ Ngoại giao phát biểu khai mạc Toạ đàm. |
Buổi Toạ đàm có sự tham gia của đông đảo các cán bộ, chuyên gia Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Bộ công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Khoa Luật Đại học quốc gia Hà Nội, trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật - Đại học Huế, Viện Nhà nước và Pháp luật.
Trong phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh đến vai trò ngày càng quan trọng của LPQT trong việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Vì LPQT là công cụ quan trọng để điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế đa dạng và phức tạp, các quốc gia đều muốn tham gia và đẩy mạnh quá trình pháp điển hóa LPQT để thông qua đó, nêu những vấn đề phù hợp với lợi ích của quốc gia mình và chuyển hóa thành các văn bản pháp lý quốc tế.
Vì vậy, việc tăng cường tham gia vào quá trình pháp điển hóa LPQT tại các diễn đàn đa phương trở nên cấp bách và cần thiết để có thể: “Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích của ta và đẩy mạnh vị thế của Việt Nam trên tường quốc tế; Chủ động giải quyết và bảo vệ lợi ích của ta trong các vấn đề pháp lý liên quan; Đưa những vấn đề ta quan tâm và phù hợp với lợi ích của ta vào việc xây dựng các văn bản pháp lý quốc tế…”, ông Vũ nói.
Toàn cảnh buổi Toạ đàm. |
Tại Hội nghị Đối ngoại đa phương lần đầu tiên tại Việt Nam tổ chức vào tháng 8/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chỉ đạo: “Đây là thời điểm chúng ta cần và hoàn toàn có đủ điều kiện để chuyển mạnh từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung””.
Tại buổi Toạ đàm, các đại biểu đã nghe và cùng nhau thảo luận các vấn đề đang trong quá trình pháp điển hoá và phát triển tiến bộ LPQT được thảo luận tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Uỷ ban 6 Đại hội đồng Liên hợp quốc và Uỷ ban LPQT. Đó là các vấn đề: Quyền tài phán phổ quát; Trách nhiệm hình sự của các quan chức và chuyên gia Liên hợp quốc đang làm nhiệm vụ; Miễn trừ quyền tài phán hình sự nước ngoài của các quan chức nhà nước; Các biện pháp loại trừ khủng bố quốc tế; Bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang; Tội ác chống nhân loại; Báo cáo của Uỷ ban Luật thương mại quốc tế; Đại dương và luật biển; Pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quôc tế…
Thông qua buổi Toạ đàm lần này, Vụ LPQT mong muốn, thúc đẩy sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học, Bộ, ngành trong việc nghiên cứu và đề xuất kiến nghị về sự tham gia của Việt Nam vào quá trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ LPQT. Ngoài ra, buổi Toạ đàm còn là cơ hội để thiết lập và tăng cường quan hệ hợp tác giữa Bộ Ngoại giao nói chung, Vụ LPQT nói riêng với các viện nghiên cứu, trường đại học, các đơn vị liên quan của các Bộ, ngành làm công tác có liên quan đến LPQT. Từ đó, các đơn vị sẽ tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ các nghiên cứu, trong việc nghiên cứu về các vấn đề đang trong quá trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ LPQT.
Buổi Toạ đàm nằm trong Kế hoạch năm 2015 triển khai Đề án "Xây dựng đội ngũ cán bộ pháp lý tham gia các cơ quan pháp lý quốc tế giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012.
Hoàng Nam