📞
Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10)

Doanh nghiệp cần thực hiện mục tiêu kép: 'Bền để vững'!

Kim Giang 14:00 | 13/10/2021
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh trả lời phỏng vấn của phóng viên về vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam cũng như những nỗ lực của VCCI nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Kể từ khi Thủ tướng Phan Văn Khải đặt bút ký Quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp đã lớn mạnh và ghi được những dấu ấn nổi bật như thế nào, thưa ông?

Cách đây 17 năm, theo đề xuất của VCCI, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 20/9/2004 về Ngày Doanh nhân Việt Nam. Theo đó, để phát huy vai trò, truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội trong việc góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 13/10 hằng năm được lấy là Ngày doanh nhân Việt Nam.

Vị thế doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ được xã hội công nhận mà còn được Đảng và Nhà nước ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và các văn kiện Đại hội toàn quốc của Đảng, nhất là từ Đại hội XI đến nay. Nhờ sự ghi nhận này, cùng với rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển, khuyến khích và tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân mà ngày nay, vai trò, vị thế doanh nghiệp, doanh nhân được nâng cao và Việt Nam đã có một một lực lượng doanh nghiệp ngày càng đông đảo.

Tổng thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh. (Nguồn: VCCI)

Tính đến tháng 9/2021, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập lũy kế từ khi có luật doanh nghiệp đã lên đến con số hơn 1,626 triệu doanh nghiệp. Không chỉ tăng về số lượng mà năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng ngày càng được nâng lên. Ðến nay, chúng ta đã có 6 doanh nhân lọt vào top "tỷ phú USD" toàn cầu năm 2021.

Việt Nam đã có 124 doanh nghiệp, với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia, một số thương hiệu gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới, như Viettel, Vinamilk, VinFast, Thaco, TH True Milk, TBS…

Trách nhiệm của doanh nhân đối với xã hội, đối với người lao động ngày càng cao; doanh nhân Việt Nam ngày càng năng động, sáng tạo; nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đoạt các giải thưởng ở phạm vi khu vực và quốc tế.

Mang trên mình sứ mệnh to lớn, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn những tồn tại nào là lực cản với bước tiến phát triển, theo ông?

Mặc dù các năm gần đây, số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều, nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp không có khả năng đứng vững trong cạnh tranh hoặc hoạt động kém hiệu quả. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất khó tiếp cận các nguồn lực của xã hội để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh như: tuyển dụng lực lượng lao động có trình độ tay nghề cao, tiếp cận đất đai, vốn tín dụng từ các ngân hàng, nguồn vốn từ các quỹ, về ứng dụng khoa học và công nghệ.

Sự hình thành và phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam chủ yếu là sau một giai đoạn tích lũy ngắn, dựa vào vốn tự có và ít được Nhà nước hỗ trợ. Quá trình phát triển theo mô hình tập đoàn của nhóm các tập đoàn kinh tế tư nhân gặp phải một số khó khăn về quản trị do phần lớn phát triển từ quy mô doanh nghiệp gia đình.

Lĩnh vực hoạt động của các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân mới chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như dịch vụ, bất động sản… Vì vậy, còn thiếu vắng một lực lượng doanh nghiệp “đầu tàu” đủ mạnh để có thể dẫn dắt “đoàn tàu” doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Thêm một hạn chế nữa là doanh nghiệp Việt Nam hiện có quy mô nhỏ nên rất khó tăng năng suất lao động nhờ chuyên môn hóa hay tận dụng lợi thế quy mô. Vì quy mô nhỏ nên khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất hầu như không có. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện doanh nhân Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10. (Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp)

Đại dịch Covid-19 có thể coi như một lần “lửa thử vàng, gian nan thử sức” đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Ông nhận định như thế nào về lần thử lửa này?

Từ đầu năm 2020 cho tới nay, Việt Nam phải đương đầu với đại dịch Covid -19 khốc liệt. Đặc biệt là đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4 cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tại các địa phương phía Nam.

Kết quả điều tra khảo sát do VCCI thực hiện tháng 9/2021 cho thấy có tới 93,9% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch ở mức độ “hoàn toàn tiêu cực” và “phần lớn là tiêu cực”, tăng so với con số 87,2% của khảo sát năm 2020. Các doanh nghiệp gặp khó khăn vô cùng lớn trong đảm bảo các yêu cầu về sản xuất an toàn, chi phí đầu vào tăng cao, lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận các nguồn tín dụng, giữ chân người lao động, tiếp cận vaccine và kể cả việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng năm 2021 là hơn 90 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 trong hai năm qua nhưng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung đã và đang nỗ lực hết khả năng để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn, chủ động điều chỉnh mô hình sản xuất, có phương án điều tiết nhân sự để đảm bảo vận hành sản xuất an toàn.

Bên cạnh việc khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động trong điều kiện hạn chế đảm bảo phòng chống dịch, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cũng đã thể hiện tinh thần vì cộng đồng, thể hiện trách nhiệm xã hội, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc tập trung ưu tiên mọi nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, nhiệt tình hưởng ứng và tham gia phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động.

Ông có thể chia sẻ về kế hoạch của VCCI trong thời gian tới nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19?

Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam, thời gian qua VCCI đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch.

Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, VCCI đã sớm nhận diện và dự báo tình hình doanh nghiệp về lâu dài sẽ phải sống chung với đại dịch. Ngày 17/9/2021, VCCI đã thành lập Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp ứng phó Covid-19.

Đây là cơ chế đặc biệt nhằm kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương và quốc tế để cùng hợp sức ứng phó Covid-19, hạn chế tổn thất, duy trì vận hành của doanh nghiệp đồng thời góp sức vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của cả nước.

Với việc thành lập Hội đồng và ra mắt nền tảng tương tác trực tuyến 24/7, từ nay các doanh nghiệp có địa chỉ để kịp thời phản ánh, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc, các vấn đề liên quan đến dịch bệnh Covid-19 và hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ trong ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, VCCI tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; các dự án phát triển bền vững; thực hiện chức năng đại diện giới sử dụng lao đông; tận dụng các cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và xu hướng dịch chuyển các chuỗi sản xuất và cung ứng, dòng vốn FDI mang lại; hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế.

Nhân dịp này, ông muốn gửi thông điệp gì tới các doanh nhân, doanh nghiệp?

Doanh nghiệp phát triển bền vững cần thực hiện mục tiêu kép: “Bền để vững”!

Trong bối cảnh làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 đang gây ra những hệ quả hết sức nặng nề đến đời sống người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn quốc. Sức khỏe của doanh nghiệp đã bị suy giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, những khó khăn chỉ là tạm thời, vượt lên trên những thách thức, những doanh nghiệp có sự cam kết mạnh mẽ, bền bỉ, kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển bền vững trong nhiều năm qua đã tự tạo ra được “kháng thể” trước đại dịch, duy trì ổn định hoạt động và tăng trưởng trong kinh doanh, hỗ trợ đắc lực cho Chính phủ, các cơ quan quản lý và cộng đồng trong việc thực hiện mục tiêu kép.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, để sống chung, thích nghi và vượt qua đại dịch, mỗi doanh nghiệp cần phát huy nội lực của chính mình, thay đổi kế hoạch cũng như chiến lược để đảm bảo mục tiêu kép cho doanh nghiệp, vừa phòng chống dịch hiệu quả, đảm bảo sức khỏe, sự an toàn của nhân viên và khách hàng của mình, đồng thời duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp cần ưu tiên giải quyết vấn đề theo cả quan điểm kinh doanh lẫn quan điểm phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!