📞

Phập phồng lo dự trữ hàng Tết

08:15 | 30/10/2008
Hiện nay, sức mua ở các chợ và một số siêu thị đang có xu hướng chững lại. Thậm chí giá một số mặt hàng cũng đang giảm dần. Từ đây, một số doanh nghiệp băn khoăn về kế hoạch dự trữ hàng Tết.

Tuy nhiên, chương trình dự trữ nguồn hàng cho Tết nhằm bình ổn giá của Sở Công thương TP.HCM vẫn được chuẩn bị từ rất sớm, thậm chí còn quy mô hơn năm ngoái về tổng giá trị hàng dự trữ.

Doanh nghiệp ngại sức mua yếu

Anh Tú, chủ sạp hàng Tú Mỹ, chợ Bình Tây (quận 6, TP.HCM), cho biết: “Sức mua hiện nay quá thấp. Nếu tầm này năm ngoái có khoảng 10 người mua hàng thì năm nay chỉ một đến hai người mua”. Anh Tú nói thêm, bây giờ là thời điểm tiểu thương từ các tỉnh lên lấy hàng về bán. Vậy mà năm nay rất vắng, thậm chí là chưa thấy có.

Trong khi đó, theo các doanh nghiệp và tiểu thương, những lý do để dự trữ hàng Tết là sợ nguồn hàng khan hiếm, thứ hai là giá cả thuận lợi lúc nhập hàng. Như vậy, thực tế hiện nay thì đúng là giá đang giảm dần nhưng còn biểu hiện của việc khan hiếm nguồn hàng thì chưa có. Từ đây, việc dự trữ nguồn hàng thời điểm này vẫn có nhiều doanh nghiệp chưa nghĩ đến.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc Siêu thị Maximark Cộng Hòa, cũng cho biết đến nay, các nhà cung cấp cho siêu thị vẫn chưa chào giá cụ thể các mặt hàng Tết. Vì vậy, nếu doanh nghiệp dự trữ hàng Tết mà không biết dựa trên cơ sở giá như thế nào thì không thể được. Ngay cả việc nguồn hàng khan hiếm, theo bà Thảo, vẫn chưa thấy có biểu hiện gì cụ thể.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng không thể đưa ra chính xác dự báo về sức mua trong những ngày Tết. Vì vậy, khó mà tính được số lượng hàng dự trữ cho Tết.

Nhu cầu sẽ tăng trở lại

Tuy nhiên, trái ngược với những nhận định trên, Sở Công thương TP.HCM dự báo rằng những ngày lễ, Tết, nhu cầu sẽ tăng và giá cả một số mặt hàng cũng trên đà tăng theo. Vì vậy, ngoài những mặt hàng thiết yếu như thịt gia súc, rau, củ, quả..., chương trình dự trữ năm nay còn bổ sung thêm các mặt hàng như dầu ăn, gạo, trứng gia cầm. Tổng số tiền để mua hàng dự trữ là 409 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn tham gia với mức dự trữ cao nhất là 190 tỷ đồng.

Chương trình bình ổn lần này có tới chín doanh nghiệp tham gia. Ở đây, các doanh nghiệp sẽ được nhà nước hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất bằng 0% trong thời gian sáu tháng.

Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Phú An Sinh, cho rằng giá của một số mặt hàng hiện nay như thịt gà và thịt heo đúng là có lúc xuống rất thấp so với trước. Tuy nhiên, dự báo trong một hai tháng tới, nguồn nhập khẩu cạn dần cộng với thuế tăng. Ngoài ra, số lượng các trang trại nghỉ chăn nuôi cũng tăng lên đáng kể. Như vậy, việc nguồn cung giảm có thể khiến những tháng cuối năm giá cả sẽ tăng cao. Chính vì vậy, việc bình ổn phải chuẩn bị và cần thực hiện tốt ngay từ bây giờ.

Về giá bán, các doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng Tết sẽ bình ổn giá và bán thấp hơn giá bán trên thị trường là 10%.

Ông Minh cho rằng trước khi xây dựng giá, các doanh nghiệp đều lo sợ giá sẽ cao hơn. Tuy nhiên, trong hai tháng gần đây, giá nguyên liệu đầu vào, con giống lại có xu hướng giảm trở lại. Vậy nên mặt bằng giá Tết 2009 sẽ chỉ bằng so với năm ngoái chứ không cao hơn.

Năm 2008, sức mua tăng 30%

Theo Sở Công thương TP.HCM, thị trường Tết Mậu Tý sức mua hàng hóa tăng khoảng 30% so với cùng kỳ Tết năm 2007. Riêng khu vực bán lẻ trong hệ thống siêu thị ước tính sức mua tăng đến 45%. Sức mua tập trung vào các mặt hàng thực phẩm chế biến, ước tăng khoảng 15%.

Cũng theo Sở Công thương, vào tuần cao điểm Tết năm ngoái, đã có nhiều tư thương đẩy giá lên cao. Các doanh nghiệp do đã chuẩn bị đầy đủ nguồn cung ở các mặt hàng thiết yếu nên giá những ngày cận Tết không những không tăng mà còn giảm lại.

Theo Pháp Luật TP HCM