Hội nghị khai mạc ngày 14/1, tại thủ đô Bamako (Mali) với sự tham dự của gần 30 nhà lãnh đạo nhà nước, chính phủ.
Hội nghị đã thảo luận về thúc đẩy hợp tác quân sự giữa Pháp và các nước châu Phi, nhằm giúp "xóa bỏ" mối đe dọa từ các nhóm Hồi giáo cực đoan và những cuộc tấn công khủng bố đang ngày càng gia tăng trong khu vực thời gian gần đây.
Phát biểu tại Hội nghị, Ngoại trưởng Burkina Faso Alpha Barry cho biết các mối đe dọa khủng bố không chỉ là vấn đề an ninh mà còn tác động rất lớn đối với việc điều hành, quản lý đất nước và ảnh hưởng to lớn đến phát triển kinh tế.
Tổng thống Pháp Francois Hollande (phải) bắt tay Thủ tướng Mali Modibo Keita khi ông đến Mali ngày 13/1. (Nguồn: AFP) |
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi các quốc gia châu Phi cần tập trung hơn nữa để giải quyết các thách thức về chủ nghĩa khủng bố, vấn đề di cư, quản trị đất nước, đặc biệt là việc tự đối phó với những đe dọa an ninh ở mỗi quốc gia cũng như trên toàn châu lục.
Ông Hollande cho biết, mặc dù Paris đã quyết định rút toàn bộ lực lượng vũ trang ra khỏi Cộng hòa Trung Phi và Mali nhưng Pháp vẫn duy trì hơn 4.000 binh sĩ ở khu vực Sahel, bao gồm Mali, Nigeria, Niger, Chad, Sudan, đồng thời duy trì các căn cứ quân sự tại Senegal, Djibouti và Gabon để tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực này khi cần thiết.
Theo Tổng thống Pháp, mặc dù giảm thiểu sự tham gia, can thiệp quân sự trực tiếp vào các cuộc xung đột ở châu Phi, nhưng Pháp vẫn tiếp tục hỗ trợ lục địa này trong việc cung cấp trang thiết bị quân sự, tăng cường đào tạo, huấn luyện quân sự, đặc biệt là tại các địa bàn "nóng".
Nhiều chuyên gia quân sự khu vực cho biết, kể từ Hội nghị thượng đỉnh tại Paris vào năm 2013 đến nay, mỗi năm Pháp huấn luyện và đào tạo cho hơn 20.000 binh sĩ của các nước châu Phi.
Đặc biệt, tại hội nghị thương đỉnh ở Mali lần này, Pháp sẽ cam kết nâng số lượng sĩ quan, binh sĩ của quân đội các nước châu Phi được Pháp huấn luyện và đào tạo lên khoảng 25.000 người mỗi năm trong giai đoạn 2017 - 2020.
Theo các chuyên gia trên, việc tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện quân sự cho các quốc gia châu Phi nhằm mục đích giảm thiểu sự tham gia, can thiệp quân sự trực tiếp của Pháp vào các cuộc xung đột ở châu lục này trong tương lai.
Trong khi đó, một số báo đưa tin, tại Hội nghị cấp cao Mali lần này, Pháp sẽ công bố kế hoạch tăng viện trợ phát triển và cam kết cho vay cả gói đối với các quốc gia ở châu lục này, dự kiến lên tới 5,3 tỷ USD trong 3 năm tới.