📞

Pháp tung kế hoạch mới ở Ukraine, bất chấp việc Nga không còn 'lằn ranh đỏ' sau những tuyên bố táo bạo của ông Macron

Bảo Minh 10:37 | 09/03/2024
Ngày 8/3, Bộ trưởng Lực lượng vũ trang Pháp Sebastien Lecornu thông báo, nước này đang lên kế hoạch cho phép một số công ty chế tạo vũ khí sản xuất các thiết bị quân sự trên lãnh thổ Ukraine.
Bộ trưởng Lực lượng vũ trang Pháp Sebastien Lecornu. (Nguồn: AFP)

AFPReuters dẫn tuyên bố của ông Lecornu cho biết, 3 công ty Pháp sẽ thiết lập quan hệ đối tác với các công ty Ukraine, đặc biệt trong lĩnh vực thiết bị quân sự và máy bay không người lái để sản xuất linh kiện trên lãnh thổ quốc gia Đông Âu này và có thể cả đạn dược trong tương lai.

Trong số những doanh nghiệp tham gia kế hoạch có nhà sản xuất xe tăng KNDS. Các cơ sở đầu tiên sẽ đi vào hoạt động trong mùa Hè này.

Thông báo trên được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Paris ủng hộ Kiev "không giới hạn" và không loại trừ bất kỳ biện pháp nào trong việc hỗ trợ. Trước đó, ông Macron cũng phát biểu không loại trừ việc đưa bộ binh phương Tây sang tham chiến.

Tháng trước, nhà lãnh đạo Pháp đã công bố một số bước đi mới nhằm hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga hiện đã bước sang năm thứ 3.

Trong khi đó, Moscow cảnh báo Nga không còn "lằn ranh đỏ" nào với Pháp sau những tuyên bố khiến cả phương Tây choáng váng của ông Macron.

Liên quan việc hỗ trợ Kiev, cùng ngày, Canadian Press đưa tin, Canada sẽ cấp hàng triệu USD cho hai hãng chế tạo vũ khí của nước này để lên kế hoạch sản xuất thêm loại đạn 155mm khi xung đột ở Ukraine dự báo còn kéo dài.

Thông báo này do Bộ trưởng Quốc phòng Canada Bill Blair đưa ra tại Hội nghị Viện hiệp hội quốc phòng ở Ottawa, trong đó cho biết, Ottawa sẽ chuyển cho hai công ty IMT Defense và General Dynamics 4,4 triệu CAD (3,27 triệu USD) để phát triển các đề xuất chi tiết nhằm tăng sản lượng đạn dược.

Theo ông Blair, Canada đã tặng hàng chục nghìn viên đạn pháo 155mm theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho Ukraine. Tuy nhiên, Kiev vẫn cần nhiều hơn nữa.

NATO đã ký một thỏa thuận trị giá 1,2 tỷ USD vào cuối tháng 1 vừa qua thông qua Cơ quan hỗ trợ và mua sắm để sản xuất khoảng 220.000 viên đạn, nâng tổng chi tiêu cho loại đạn 155 mm lên hơn 4 tỷ USD. Các quốc gia đóng góp vào thỏa thuận sẽ tự bảo đảm nguồn cung của mình hoặc cung cấp đạn cho Ukraine.