📞

Phạt Ba Lan nộp 1 triệu Euro/ngày, EU tiếp tục ra điều kiện nếu Warsaw muốn được 'cứu'

Việt Hà 16:14 | 29/10/2021
Ngày 28/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, Ba Lan cần hủy bỏ cuộc cải cách tư pháp trong nước nếu muốn Liên minh châu Âu (EU) giải ngân hàng tỷ Euro từ quỹ phục hồi để ứng phó với các tác động kinh tế do dịch Covid-19 gây ra.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. (Nguồn: Market Research Telecast)

Theo bà Leyen, Ba Lan có thể nhận được 57 tỷ Euro hỗ trợ phục hồi từ EU, với điều kiện trong kế hoạch phục hồi hậu Covid-19 của Warsaw phải có cam kết rõ ràng là giải tán Phòng Kỷ luật thuộc Tòa án Tối cao, ngừng hoặc xem xét lại kế hoạch cải cách hệ thống tư pháp và bắt đầu quá trình khôi phục chức danh cho các thẩm phán.

Bà nhấn mạnh "đây là một điều kiện tiên quyết", nhưng khẳng định yêu cầu này "hoàn toàn khả thi" và hy vọng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận.

Chủ tịch EC đưa ra phát biểu trên một ngày sau khi Tòa án công lý EU (CJEU) ra phán quyết yêu cầu Ba Lan phải nộp khoản tiền phạt 1 triệu Euro (1,16 triệu USD)/ngày vì không đình chỉ hoạt động Phòng Kỷ luật theo yêu cầu trước đó của Tòa.

Tại cuộc họp thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ) hồi tuần trước, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki khẳng định “sẵn sàng đối thoại” nhưng không “hành động dưới sức ép từ sự đe dọa”.

Cùng ngày 28/10, Mạng lưới Hội đồng tư pháp châu Âu (ENCJ), một tổ chức gồm các cơ quan đại diện cho các thẩm phán của EU, đã bỏ phiếu trục xuất Hội đồng Tư pháp quốc gia (KRS) của Ba Lan. Trong một tuyên bố, ENCJ cho biết: "KRS không bảo vệ tính độc lập của Cơ quan tư pháp".

KRS đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tư pháp của Ba Lan vì xem xét tất cả các đề cử của thẩm phán. Theo chương trình cải cách của chính phủ nước này, các thành viên KRS hiện nay hầu hết do Quốc hội bổ nhiệm.

Năm 2017, khi tiến hành cải cách tư pháp, Ba Lan đã gây nhiều tranh cãi khi thành lập Phòng kỷ luật trong Tòa án tối cao, với lý do đưa ra là để đấu tranh loại trừ nạn tham nhũng trong hệ thống tư pháp.

Tuy nhiên, EC kịch liệt phản đối động thái này, cho rằng đây là một hình thức đe dọa sự độc lập của ngành tư pháp, đi ngược lại các giá trị về nhà nước pháp quyền của EU.

(theo Reuters)