Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ phát biểu tại cuộc họp. |
Thưa Ngài Chủ tịch,
Quan điểm nhất quán của Việt Nam về cách hành xử tối thiểu trong quan hệ quốc tế đã được khẳng định nhiều lần. Chúng tôi luôn tin tưởng vào tầm quan trọng của việc cần bảo đảm tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
Các nguyên tắc đó bao gồm chủ quyền bình đẳng giữa các quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, và không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất cứ quốc gia nào.
Trong đó, tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia là nguyên tắc thiêng liêng và tối thượng nhất. Các quốc gia cần tuân thủ và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và cam kết theo các công ước mà quốc gia đó là thành viên, bao gồm việc công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ các nước theo đường biên giới được quốc tế công nhận.
Đây là nguyên tắc mọi quốc gia cần tôn trọng đầy đủ trong quan hệ quốc tế. Đây là điều kiện tiên quyết cho hòa bình và an ninh quốc tế.
Thưa Ngài Chủ tịch,
Niềm tin vào các nguyên tắc cơ bản này bắt nguồn từ chính lịch sử của Việt Nam. Đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh để bảo vệ và thống nhất Tổ quốc, Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình và hợp tác. Tiếc thay, từ khi thành lập LHQ, chúng ta đã nhiều lần phải chứng kiến các hành động sai trái gây tàn phá cho nhiều quốc gia và dân tộc.
Trước những thách thức này, trong nhiều thập niên qua, nhân dân Việt Nam đã nỗ lực vì cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân tiến bộ trên thế giới, đặc biệt trong việc cùng thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, chống lại việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Xuất phát từ quan điểm đó, chúng tôi luôn theo dõi sát sao tình hình liên quan đến Ukraine. Chúng tôi đặc biệt quan ngại về các diễn biến gần đây có thể dẫn tới nguy cơ leo thang căng thẳng và gây thêm đau thương, mất mát, gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm và đối đầu khó lường, với những hệ lụy lớn đối với hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển và hợp tác trên thế giới.
Tình hình kéo dài sẽ càng khó đạt một giải pháp có thể chấp nhận được giữa các bên liên quan.
Hơn nữa, điều này cũng đang diễn ra cả khi hệ quả nhiều mặt đối với nhân dân các nước trên thế giới trở nên rõ ràng ở mọi khu vực, với những vấn đề cấp bách mà các nhà lãnh đạo đã nêu tại phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng LHQ gần đây.
Việt Nam một lần nữa kêu gọi kiềm chế, dừng xung đột ngay lập tức và tránh mọi hành vi có thể làm gia tăng căng thẳng.
Chúng tôi cũng kêu gọi sớm nối lại đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình toàn diện được các bên chấp nhận, trên cơ sở tính tới lợi ích và quan ngại chính đáng của các bên liên quan, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
Bên cạnh đó, việc bảo đảm an toàn và an ninh của người dân và cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu, bao gồm các cơ sở hạt nhân, cũng là vấn đề quan trọng.
Cộng đồng quốc tế cần hợp tác để tạo điều kiện thuận lợi nhằm đạt được các mục đích này. Điều đó phụ thuộc vào việc không có các hành động có thể làm gia tăng khoảng cách giữa các bên và làm đẩy lùi triển vọng đạt giải pháp.
Điều quan trọng cần ghi nhớ là vấn đề hệ trọng hiện nay là hòa bình, ổn định và phát triển của mọi quốc gia liên quan, không chỉ ở châu Âu mà trên toàn thế giới, và trên hết là những mối quan tâm và đời sống hằng ngày của những người dân đang phải gánh chịu mất mát hiện nay.
Do đó, chúng tôi kêu gọi các đối tác quốc tế tăng cường nỗ lực hỗ trợ nhân đạo cho người dân đang cần viện trợ. Chúng tôi hoan nghênh nỗ lực của các cơ quan LHQ cũng như các cơ quan khu vực và quốc gia liên quan.
Đồng thời, cũng cần tiếp tục nỗ lực hướng tới giảm thiểu căng thẳng và hòa giải giữa các bên liên quan thông qua mọi kênh trao đổi có thể có.
Chúng tôi hoan nghênh nỗ lực không ngừng nghỉ của Tổng thư ký LHQ và các đối tác liên quan khác nhằm giúp các bên gần nhau hơn. Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực cho các nỗ lực ngoại giao đó cũng như trong tái thiết và phục hồi tại Ukraine.
Xin trân trọng cảm ơn.