“Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý,
Thưa các cô giáo, thày giáo, cán bộ, viên chức của Học viện,
cùng toàn thể các em sinh viên thân mến,
Hôm nay, tôi rất vui mừng đến thăm và dự Lễ khai giảng năm học mới 2018 - 2019 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam - một trường đại học lớn có bề dày truyền thống và uy tín. Trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và gửi tới các vị đại biểu, các cô giáo, thày giáo, cán bộ, viên chức và sinh viên của Học viện lời chào thân ái, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Như chúng ta đều biết, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tiền thân là Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Nông nghiệp, một trong những trường đại học được thành lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong suốt hơn 60 năm qua, Học viện đã nỗ lực phấn đấu, đào tạo cho đất nước hàng chục vạn cán bộ khoa học - kỹ thuật và quản lý kinh tế nông nghiệp có trình độ đại học, hàng vạn thạc sĩ và gần 600 tiến sĩ. Học viện gắn với tên tuổi của nhiều nhà khoa học nổi tiếng như Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Huy Đáp, nhà nông học Lương Đình Của... Lực lượng cán bộ do Học viện đào tạo là một nguồn nhân lực quan trọng, có những đóng góp xứng đáng vào những thành tựu nổi bật của nông nghiệp và nông thôn nước ta trong kháng chiến - kiến quốc trước đây và trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế hiện nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ khai giảng năm học. |
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đi tiên phong trong đổi mới về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao, gắn với thực tiễn phát triển của sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; gắn kết với doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo cho sinh viên. Học viện đã cụ thể hoá các chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo; đi đầu trong thí điểm tự chủ đại học và xây dựng các cơ chế bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao bình đẳng với đối tượng chính sách. Học viện cũng đã tích cực, tiên phong trong việc đề xuất cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học gắn với giao kinh phí trình Chính phủ thí điểm tổ chức thực hiện từ năm học 2018 - 2019. Học viện đã tập trung ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Song song với nhiệm vụ đào tạo, Học viện cũng đã rất tích cực trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị ứng dụng vào sản xuất như chuyển đổi mùa vụ từ lúa chiêm sang lúa xuân, phát triển cây vụ đông, chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi mới, góp phần làm thay đổi căn bản tập quán sản xuất nông nghiệp từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Các giống lúa, giống rau, quả, giống cây công nghiệp, giống lợn lai hướng nạc, các loại vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm và các tiến bộ khoa học - kỹ thuật khác do các thế hệ nhà khoa học của Học viện nghiên cứu thành công là những đóng góp thiết thực rất đáng quý. Hiện tại, các nhà khoa học của Học viện đang triển khai nhiều công trình khoa học - công nghệ quan trọng và chắc chắn sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa trong việc đưa nền nông nghiệp nước ta đạt trình độ tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới.
Với những kết quả và thành tích xuất sắc nói trên, Học viện đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới và 2 lần đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng, cảm ơn và biểu dương những thành tựu to lớn mà các thế hệ thày, cô giáo, cán bộ, sinh viên Học viện đã đạt được trong hơn 60 năm qua. Nhân đây, tôi cũng xin cảm ơn sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của các nước, các tổ chức quốc tế và các tổ chức đại diện nước ngoài tại Hà Nội đã tạo điều kiện để Học viện Nông nghiệp Việt Nam có được những thành công như ngày hôm nay.
Thưa các vị đại biểu, các cô giáo, thày giáo cùng toàn thể các em sinh viên,
Đảng ta đã khẳng định, giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu và khoa học - công nghệ là then chốt đối với sự phát triển của đất nước. Tôi đề nghị các bộ, ngành và Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số công việc sau đây:
Một là, tích cực thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp đại học ngày nay không những phải có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có những kỹ năng để không bị thay thế bởi rô-bốt và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, kỹ năng tư duy phản biện… Sinh viên tốt nghiệp đại học phải có năng lực tự chủ và thích ứng tốt với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng, có ý thức trách nhiệm cao với bản thân, với gia đình, cộng đồng và đất nước. Do vậy, ngoài đào tạo chuyên môn, Nhà trường cần coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho sinh viên; gắn chặt nhiệm vụ đào tạo với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Hai là, tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp với thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và bùng nổ thông tin hiện nay. Nhà trường phải nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo, chú trọng xác định đúng chuẩn đầu ra và chuyển đổi phương pháp từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho người học, coi sinh viên là trung tâm của quá trình đào tạo; ứng dụng tối đa công nghệ hiện đại; gắn đào tạo của nhà trường với thực tiễn sản xuất, nhu cầu của xã hội, đặc biệt là có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và khuyến khích hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên.
Ba là, tập trung xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới đào tạo. Các thày, cô giáo phải chuyển từ vai trò giảng bài sang vai trò hướng dẫn học và phải là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, phong cách, lối sống, phương pháp làm việc và học tập để sinh viên noi theo. Để có được đội ngũ các thày, cô giáo chuẩn mực, các bộ, ngành và Học viện cần thông qua những chính sách, chế độ cụ thể, thiết thực, tạo mọi điều kiện và môi trường thuận lợi nhất để các thày, cô làm việc, sáng tạo và cống hiến được tốt nhất cho sự nghiệp trồng người.
Bốn là, đổi mới mô hình quản trị đại học, thực hiện tự chủ đại học. Sắp tới, Quốc hội sẽ thông qua Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), trong đó có nội dung quan trọng là tự chủ đại học. Tinh thần chung là các trường đại học phải được tự chủ hơn về học thuật, được chủ động sáng tạo, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong khuôn khổ của pháp luật, ít bị ràng buộc bởi các thủ tục hành chính. Tự chủ đại học không có nghĩa là các trường đại học phải "tự túc" hoàn toàn về tài chính. Nhà nước vẫn phải đầu tư để bảo đảm tốt các điều kiện thiết yếu về cơ sở vật chất, kỹ thuật và các phương tiện phục vụ để nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đối với những ngành nghề và lĩnh vực khó xã hội hóa và đất nước đang rất cần như Nông - Lâm - Ngư nghiệp.
Năm là, phấn đấu nhanh chóng trở thành một trường đại học nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp. Học viện cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khoa học - công nghệ, gắn nghiên cứu khoa học - công nghệ với đào tạo và phục vụ sản xuất, dịch vụ xã hội. Các công trình nghiên cứu của Học viện phải hướng tới "tam nông" (nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh). Trọng tâm nghiên cứu của Học viện là phục vụ yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng phát triển một nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh.
Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện tốt nhất để Học viện Nông nghiệp tích cực tham gia vào các chương trình do Bộ chủ trì, đặc biệt là chương trình cơ cấu lại nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới.
Sáu là, gắn kết chặt chẽ giữa trường đại học với địa phương sở tại. Trường đại học đóng trên địa bàn nào thì cần phải có những hoạt động đào tạo và khoa học - công nghệ phục vụ ngay tại địa phương đó. Ngược lại, chính quyền các cấp của địa phương cần cộng tác, hỗ trợ tích cực cho trường đại học trên địa bàn của mình phát triển. Với tinh thần đó, tôi đề nghị thành phố Hà Nội, huyện Gia Lâm, thị trấn Trâu Quỳ cần hợp tác chặt chẽ với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và quan tâm hơn nữa đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tích cực phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn Học viện trong công tác quản lý đất đai, thực hiện tốt quy hoạch đã được phê duyệt.
Thưa các vị đại biểu, các cô giáo, thày giáo cùng toàn thể các em sinh viên,
Nhân dịp khai giảng năm học mới 2018 - 2019, một lần nữa, tôi xin chúc mừng những thành tích mà Học viện đã đạt được trong thời gian qua, và mong các thày, cô giáo và sinh viên của Học viện trong thời gian tới tiếp tục phát huy truyền thống của một trường đại học anh hùng, ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, nghiên cứu sáng tạo để đạt được nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Học viện, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu "Đoàn kết chặt chẽ, cố gắng không ngừng, để tiến bộ mãi".
Chúc các vị đại biểu, các thày, cô giáo, cán bộ, viên chức và các em sinh viên Học viện luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và đạt được nhiều thành tích mới.
Xin cảm ơn".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Lào Ngày 26/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào ... |
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII Sáng 25/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ ... |
Tổng Bí thư: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn Sáng 25/9, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018-2023 bước vào phiên trọng thể. Phát biểu chỉ đạo tại Đại ... |