📞

Phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt 8/9: Để tiếng mẹ đẻ là niềm tự hào của mỗi người Việt ở bất cứ đâu

Lê An 20:27 | 08/09/2022
Chiều 8/9, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã tổ chức lễ phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN).

Lễ phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt có sự tham dự của khoảng 100 đại biểu, bao gồm đại diện các cơ quan chức năng thuộc các Bộ, Ban, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội; các đơn vị phối hợp, một số công ty, doanh nghiệp, đại diện bà con kiều bào...

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu phát biểu khai mạc Lễ phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN. (Ảnh: Quang Hoà)

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu – Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về NVNONN khẳng định ngày 8/9/2022 là một dấu mốc quan trọng trong công tác về NVNONN nói chung và công tác tiếng Việt đối với NVNONN nói riêng.

Từ năm 2022, ngày 8/9 hằng năm sẽ được lựa chọn làm Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN, bởi ngày này có nhiều ý nghĩa lịch sử gắn liền với dân tộc nói chung và tiếng Việt nói riêng.

Ngày này cách đây 77 năm (ngày 8/9/1945), Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phát động phong trào “Bình dân học vụ” và thành lập Nha Bình dân học vụ thuộc Bộ Giáo dục Quốc gia; ngày 8/9 cũng được tổ chức UNESCO chọn làm Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh: “Để nhận diện một dân tộc, bên cạnh các tiêu chuẩn về lãnh thổ, tính cộng đồng, đặc điểm chung về tâm lý, văn hóa, kinh tế, ý thức về dân tộc… thì ngôn ngữ được coi là một trong những tiêu chuẩn chính, góp phần tạo nên bản sắc của một dân tộc.

Đối với dân tộc Việt Nam, tiếng Việt là tài sản quý báu, phản ánh văn minh, tinh hoa và bản sắc văn hóa của người Việt, đóng vai trò cầu nối, phương tiện lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, là công cụ quan trọng giúp giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp vào việc củng cố nền độc lập của Tổ quốc”.

Toàn cảnh Lễ phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN. (Ảnh: Quang Hoà)

Cũng theo Thứ trưởng, đối với cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếng Việt là niềm tự hào dân tộc, là sự kết nối cộng đồng, là điểm tựa vững chắc của văn hóa Việt Nam.

Việc phê duyệt Đề án và lựa chọn ngày 8/9 hằng năm làm Ngày Tôn vinh tiếng Việt không chỉ thể hiện sự cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác về NVNONN, thể hiện tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho kiều bào ở nước ngoài, đây sẽ còn là dấu mốc quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần NVNONN, qua đó nâng cao nhận thức của kiều bào đối với tiếng Việt, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng, góp phần xây dựng cộng đồng NVNONN ổn định, đoàn kết, vững mạnh và hướng về cho quê hương, đất nước.

Là cơ quan chuyên trách về NVNONN, Ủy ban Nhà nước về NVNONN sẵn sàng phối hợp và đồng hành với các Bộ, ban ngành, các địa phương, các cơ quan thông tấn truyền thông trong triển khai thực hiện Đề án, để Ngày Tôn vinh tiếng Việt thực sự đi vào đời sống và trở thành nét đẹp văn hóa của cộng đồng NVNONN, để tiếng Việt trở thành niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam ở bất cứ nơi nào.

Thông tin về Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt cùng phương hướng, kế hoạch triển khai giai đoạn 2023 – 2030, ông Đinh Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thông tin-Văn hóa Uỷ ban Nhà nước về NVNONN cho biết, Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức chương trình Ngày Tôn vinh tiếng Việt hằng năm vào ngày 8/9, trong đó các hoạt động trong khuôn khổ chương trình sẽ được triển khai trong cả năm và lồng ghép vào các dịp lễ hội, kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước.

Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN 8/9 chủ yếu hướng tới ba nhóm đối tượng chính: Cộng đồng NVNONN trên toàn thế giới, nhất là thế hệ trẻ tại các địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống, các địa bàn mà tiếng Việt và văn hóa Việt có nguy cơ bị mai một; Các chuyên gia giáo dục, giáo viên dạy tiếng Việt, sinh viên, thế hệ trẻ trong nước quan tâm đến hoạt động văn hóa, xã hội, giảng dạy, giao lưu ngôn ngữ, các thân nhân của kiều bào; Người nước ngoài trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam có thiện cảm, đang sử dụng và có nhu cầu sử dụng tiếng Việt.

Ông Đinh Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thông tin-Văn hoá, Uỷ ban Nhà nước về NVNONN phát biểu Lễ phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN. (Ảnh: Quang Hoà)

Ông Đinh Hoàng Linh cũng cho biết trong năm 2023, Ủy ban Nhà nước về NVNONN dự kiến sẽ tổ chức các hoạt động cụ thể:

Một là, Hành trình tìm kiếm và phong tặng danh hiệu “Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023”. Chương trình được tổ chức nhằm tìm kiếm các cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài biết tiếng Việt có tầm ảnh hưởng với khả năng truyền cảm hứng, thông qua các hoạt động vì cộng đồng, được cộng đồng thừa nhận, có sức ảnh hưởng lớn.

Hai là, Hoạt động “Tri ân” được tổ chức nhằm ghi nhận, động viên các cá nhân, gia đình, tổ chức, hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp tích cực trong phong trào giữ gìn và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng với nhiều hình thức khen thưởng khác nhau.

Ba là, Chương trình biểu diễn nghệ thuật trực tiếp kết hợp trực tuyến “Tiếng Việt thân thương” nhằm tôn vinh vẻ đẹp, tinh thần của tiếng Việt thể hiện qua các tác phẩm đặc sắc của nền âm nhạc Việt Nam, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Bốn là, Hội nghị Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2023. Đây là hội nghị tổng kết kỷ niệm Ngày Tôn vinh tiếng Việt; trao danh hiệu “Đại sứ tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023”, trao giải các hoạt động, cuộc thi đã triển khai hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt, đánh giá kết quả một số hoạt động của các bộ ngành, cơ quan, đơn vị khác chủ trì tổ chức với mục đích thúc đẩy phong trào dạy và học, sử dụng tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt…

Năm là, Xây dựng tủ sách tiếng Việt (bao gồm cả tủ sách trực tuyến) nhằm trang bị cho các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài một số bộ giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, các đầu sách truyện, thơ, văn học Việt Nam do các nhà xuất bản trong nước thực hiện (ưu tiên song ngữ, cả bản cứng và bản điện tử).

Trong thời gian tới, những hoạt động trên sẽ được triển khai nhằm khuyến khích và lan tỏa phong trào dạy và học tiếng Việt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội trong việc tôn vinh, giữ gìn và phát huy sự trong sáng, giá trị ngôn ngữ của dân tộc.

Tham dự buổi lễ, PGS. TS Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội và TS Lê Thị Thanh Tâm - Trưởng Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã giới thiệu các kênh giảng dạy tiếng Việt cho NVNONN.

Đại diện hai trường đều khẳng định sẽ phối hợp tích cực và chặt chẽ cùng Uỷ ban Nhà nước về NVNONN để hiện thực hóa Đề án Tôn vinh tiếng Việt ở nước ngoài trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với NVNONN phát biểu Lễ phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN. (Ảnh: Quang Hoà)

Đại sứ Nguyễn Phú Bình – Chủ tịch Hội Liên lạc với NVNONN, cũng chia sẻ câu chuyện về gia đình ông Lý Xương Căn (đại diện dòng họ Lý Hoa Sơn, hậu duệ vua Lý Thái Tổ tại Hàn Quốc) trước kia vì xa Tổ quốc quá lâu nên không hề biết tiếng Việt, nhưng rồi với tình cảm gắn bó với cội nguồn, hiện nay gia đình ông đã trở về sinh sống ở Việt Nam và các thành viên trong gia đình ông đã nói được tiếng Việt.

Là người đã gắn bó với công tác NVNONN nhiều năm, Đại sứ Nguyễn Phú Bình cũng tin tưởng dù các thế hệ kiều bào đã và sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì và truyền bá tiếng Việt ở nước ngoài, nhưng nếu có ý thức và hành động bền bỉ, kiên trì và biết học hỏi kinh nghiệm thì ai cũng sẽ làm được.

Lễ Ký kết MOU giữa Uỷ ban Nhà nước về NVNONN và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. (Ảnh: Quang Hoà)

Đặc biệt, ngay tại Lễ phát động đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) giữa Ủy ban Nhà nước về NVNONN với 3 cơ quan là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Công ty Cổ phần Sách Alpha Books, nhằm hợp tác triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong thời gian tới.

Lễ Ký kết MOU giữa Uỷ ban Nhà nước về NVNONN và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Quang Hoà)

Chia sẻ tại đây, ông Lê Hoàng Bách – Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định hai bên sẽ tiếp tục phối hợp triển khai chuỗi các hoạt động: tập huấn, chia sẻ về phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng các thư viện, giới thiệu sách, truyền bá văn hoá Việt Nam tại các nước.

Lễ Ký kết MOU giữa Uỷ ban Nhà nước về NVNONN và Công ty Sách Alpha. (Ảnh: Quang Hoà)

Để đẩy mạnh thực hiện Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt thật sự trở thành một nét đẹp trong đời sống tinh thần của cộng đồng NVNONN, Uỷ ban Nhà nước về NVNONN kêu gọi các Bộ, Ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan thông tấn, đặc biệt là các hội đoàn, cá nhân NVNONN tích cực hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN:

Tăng cường tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt. Căn cứ theo mục tiêu Đề án, trên cơ sở bảo đảm tiết kiệm và phù hợp với điều kiện thực tế, nghiên cứu tổ chức hoặc lồng ghép nội dung Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong các dịp lễ hội, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các hoạt động đối ngoại và các hoạt động văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội khác; có hình thức khuyến khích và hỗ trợ đối với các hoạt động giới thiệu, quảng bá văn hóa và ngôn ngữ dân tộc của kiều bào tại các nước; tăng cường tổ chức hoặc lồng ghép nội dung hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt vào các chương trình, hoạt động, phong trào của cộng đồng, tổ chức và cá nhân NVNONN.

Tăng cường công tác nghiên cứu, tham mưu nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Việt, tăng cường gìn giữ và phát huy tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN. Chú trọng công tác nghiên cứu, cải tiến trong biên soạn sách, tài liệu dạy và học tiếng Việt cho NVNONN; huy động và tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, học giả đầu ngành, giảng viên, giáo viên dạy tiếng Việt trong và ngoài nước về nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Việt; nghiên cứu đổi mới phương pháp, hình thức giảng dạy tiếng Việt cho NVNONN, áp dụng công nghệ mới trong giảng dạy. Tăng cường thúc đẩy văn hóa đọc sách tiếng Việt trong cộng đồng; khuyến khích hội đoàn, cá nhân NVNONN, đặc biệt là thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài duy trì sử dụng tiếng Việt trong sinh hoạt cộng đồng, gia đình và giao tiếp hàng ngày, tạo thành thói quen đẹp, lan tỏa tình yêu tiếng Việt.

Đại biểu tham dự Lễ phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Lê An)

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt. Đẩy mạnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục để quảng bá trong và ngoài nước về các hoạt động, ý nghĩa của Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN; tăng cường các tin bài, chương trình phóng sự, truyền hình có nội dung tôn vinh tiếng Việt, đặc biệt vận dụng linh hoạt các phương tiện truyền thông mới như mạng xã hội, kỹ thuật số…. ; khuyến khích, vận động các chuyên gia, học giả trong và ngoài nước có công trình nghiên cứu, bài viết về sự giàu đẹp của tiếng Việt, tạo hiệu ứng lan tỏa, truyền tải đúng và đầy đủ giá trị của tiếng Việt đến cộng đồng NVNONN và bạn bè quốc tế.

Tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế của tiếng Việt trên trường quốc tế. Đẩy mạnh các kênh hợp tác, vận động và thúc đẩy chính quyền và các thiết chế giáo dục nước ngoài đưa tiếng Việt vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục sở tại, thúc đẩy đưa tiếng Việt trở thành một ngoại ngữ chính bên cạnh các ngoại ngữ khác; tăng cường tổ chức hoạt động quảng bá ngôn ngữ, tăng cường trao đổi giáo viên, sinh viên với các nước, đưa tiếng Việt đến với người nước ngoài có thiện chí và nhu cầu học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa Việt Nam.

Vận động sức mạnh và nguồn lực tổng hợp của địa phương, doanh nghiệp và người dân trong nước cùng cộng đồng NVNONN đóng góp vào việc thực hiện các chương trình hoạt động thiết thực, góp phần hoàn thành các mục tiêu của Đề án, trước mắt trong giai đoạn từ này đến hết năm 2030.