Tháng 10/2022, Annie Ernaux đươc Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn học. Bà trở thành nữ nhà văn người Pháp đầu tiên giành giải thưởng văn học danh giá nhất thế giới.
Hội đồng trao giải Nobel vinh danh Annie Ernaux "vì lòng dũng cảm và sự nhạy bén sắc lạnh bà sử dụng để khám phá ra gốc rễ, sự bất hòa và những hạn chế của ký ức cá nhân".
Là người “tự khai thác chính mình”, Annie Ernaux đào sâu vào ký ức, cuộc đời của bản thân qua những tác phẩm hồi ký, một chủ đề quen thuộc ở những nhà văn như Marcel Proust và Patrick Modiano.
Bằng thứ văn phong “phẳng”, lạnh lùng tưởng như vô cảm, các tác phẩm của Annie Ernaux lại có sức mạnh khơi dậy sự đồng cảm nơi người đọc một cách kỳ lạ. Nhiều cuốn trong số đó đã được đưa vào giảng dạy tại các trường học ở Pháp.
Ba cuốn sách (Một người phụ nữ, Cơn cuồng si và Nỗi nhục) hé lộ những hồi ức sâu thẳm, từ kỷ niệm thơ ấu cho đến những bí mật thầm kín nhất của nhà văn, những điều mà có lẽ không phải ai cũng đủ dũng cảm để phơi bày.
Nếu Nỗi nhục kể lại ẩn ức tâm lý thời niên thiếu dần tích tụ, ngấm vào máu thịt bà, trở thành con người bà thì Cơn cuồng si là câu chuyện tình yêu đầy khoái lạc và ám ảnh của một phụ nữ đang yêu, một tình yêu bị cấm đoán và không có tương lai. Còn Một người phụ nữ là những hồi ức xa xôi tìm lại về người mẹ thân yêu vừa qua đời.
Trong suốt hành trình sáng tác của mình, Annie Ernaux có một góc nhìn khác biệt về cuộc sống, giới tính và giai cấp. Thay vì cuốn người đọc vào những thăng trầm cuộc đời hay những chủ đề to tát, bà chỉ tập trung những sự kiện nhỏ nhặt, đời thường mà chân thực.
Câu văn ngắn gọn, rõ ràng, văn phong tối giản và không hoa mỹ, những tác phẩm của Annie Ernaux đôi lúc bị chê là khô khan. Nhưng sự lạnh lùng ấy mới chính là thứ tạo nên vẻ đẹp riêng cho những cuốn sách và giúp chúng "chạm" đến tâm hồn người đọc, truyền tải những cảm xúc thô sơ mà không cần bất cứ thứ gì tô điểm.
Như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói vào ngày Annie Ernaux nhận giải Nobel Văn học: “Suốt 50 năm qua, Annie Ernaux viết cuốn tiểu thuyết về ký ức tập thể và riêng tư của đất nước chúng ta. Tiếng nói của bà là tiếng nói của tự do, của người phụ nữ và của những điều đã bị lãng quên trong thế kỷ qua".
Nhân dịp này, Viện Pháp tại Hà Nội và Nhã Nam sẽ phối hợp tổ chức tọa đàm ra mắt ba tác phẩm mới của Annie Ernaux, với sự tham gia của các diễn giả: Nhà văn Hiền Trang; thầy Hervé Malagola, giáo viên văn học Pháp và La tinh, Trường Pháp Quốc tế Alexandre Yersin tại Hà Nội. Tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên đảm nhiệm điều phối chương trình.
Tọa đàm diễn ra chiều 11/5 tại Viện Pháp (số 15 Thiền Quang, Hà Nội), trong khuôn khổ Những ngày văn học châu Âu 2023, được tổ chức bởi EUNIC Việt Nam.
Annie Ernaux sinh năm 1940 tại Lillebonne, lớn lên tại Yvetot, đều thuộc tỉnh Seine-Maritime, vùng Normandie, Tây Bắc nước Pháp. Bà học ngành Văn học hiện đại ở Đại học Rouen, sau đó làm giáo viên văn ở Annecy, Pontoise rồi Trung tâm giáo dục từ xa quốc gia. Bà là Tiến sĩ danh dự của Đại học Cergy-Pontoise. Trong suốt sự nghiệp, Annie Ernaux đã được trao rất nhiều giải thưởng như: Giải Renaudot (1984), giải thưởng về ngôn ngữ Pháp, giải François Mauriac (2008), giải Marguerite Youcenar (2017)… và đặc biệt, giải Nobel Văn học 2022. |
| Cuốn sách Dấu ấn Pháp-Việt qua tên những con đường của nhà văn Việt kiều Nhà văn Việt kiều Trần Thu Dung vừa ra mắt cuốn sách mới mang tên "Dấu ấn Pháp-Việt qua tên những con đường" nhân kỷ ... |
| Cuốn sách mang đến cái nhìn cận cảnh về ly hôn Cuốn sách 'Chân dung của ly hôn' của tác giả, nhà báo Chu Hồng Vân đã tiếp cận, chia sẻ và đồng hành cùng những ... |
| Đọc vị người khác qua hệ thống phân loại tính cách Enneagram Với cuốn sách Thuật đọc vị-Enneagram (Hiểu tính cách, đắc nhân tâm), độc giả tìm thấy mối liên hệ giữa các con số biểu hiện ... |
| Photo Hanoi’23 : Chuỗi hội thảo kết nối công chúng đến với nhiếp ảnh Viện Pháp tại Việt Nam sẽ tổ chức chuỗi hội thảo trong khuôn khổ sự kiện Photo Hanoi’23 với mong muốn khởi tạo đối thoại ... |
| Khơi nguồn sáng tạo của sinh viên để tiềm năng nghệ thuật ứng dụng được bứt phá Tiềm năng nghệ thuật ứng dụng tại các giảng đường đại học là rất lớn. Tuy vậy, các trường học cần chia sẻ, tập huấn ... |