Đàn voi cùng nhau vượt sông. (Nguồn: CNN) |
Các nhà khoa học tại Đại học Colorado (Mỹ) thực hiện nghiên cứu đối với các đàn voi trong khu bảo tồn quốc gia Samburu và vườn quốc gia Amboseli của Kenya giai đoạn từ năm 1986-2022.
Nghiên cứu không chỉ cho thấy voi sử dụng những thanh âm riêng biệt đặt tên cho mỗi đồng loại mà còn cho thấy chúng nhận biết được và đáp lại khi được gọi tên.
Sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo để phân tích những tiếng rống của voi, nhóm nghiên cứu xác định được 469 tiếng gọi riêng biệt, trong đó có 101 con voi phát ra tiếng gọi và 117 con đáp lại tiếng gọi.
Voi thường tạo ra nhiều âm thanh khác nhau, từ tiếng rống vang dội đến tiếng rì rầm ở âm lượng thấp đến mức con người không nghe thấy.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, không phải lúc nào voi cũng gọi nhau bằng tên, mà chúng chỉ gọi tên nhau khi ở khoảng cách xa và thường là voi trưởng thành gọi voi con. Khả năng đặc biệt này có thể cần nhiều năm để rèn luyện.
Khi các nhà nghiên cứu cho một con voi nghe âm thanh mà voi bạn hoặc thành viên trong gia đình của nó phát ra khi gọi nó, con voi này phản ứng tích cực và hăng hái. Nhưng cũng chính con voi đó phản ứng hờ hững khi nghe những âm thanh phát ra khi gọi những con voi khác.
Như vậy, không giống như loài vẹt và cá heo, voi không đơn thuần bắt chước tiếng gọi của nhau mà chúng biết đặt tên cho nhau và gọi nhau bằng tên. Ngoài con người, voi là động vật có vú duy nhất có khả năng này và điều này cũng cho thấy chúng có khả năng tư duy trừu tượng.
Các nhà khoa học kêu gọi tiến hành thêm nghiên cứu về nguồn gốc tiến hóa của khả năng gọi tên này, vì tổ tiên của voi đã tách ra từ loài linh trưởng và động vật giáp xác khoảng 90 triệu năm trước.
Ông Frank Pope, Giám đốc điều hành của tổ chức Save the Elephants nhận định, việc những con voi gọi nhau bằng tên có thể chỉ là khởi đầu cho những phát hiện khoa học thú vị trong tương lai.