📞

Phát hiện biển “sôi” kì lạ ở Siberia, Nga

09:00 | 14/10/2019
Các nhà khoa học Nga vừa phát hiện ra một vùng biển với các bong bóng khí dày đặc dưới lớp băng nhìn như nước sôi ở vùng biển phía Bắc Bắc Cực.
Những bong bóng khí kì lạ ở Bắc Cực mới được phát hiện. (Nguồn: Fox News)

Sự sủi bọt bất thường trên biển tạo ra một khung cảnh tuyệt đẹp. Các chuyên gia trên tàu nghiên cứu Akademik M. Keldysh là những người phát hiện ra hiện tượng kì lạ đã vô cùng ngạc nhiên.

Nhà nghiên cứu Serge Nikiforov là người đầu tiên phát hiện ra sự bất thường khi nhìn thấy một đốm màu ngọc lục bảo trên nền nước tối. Sau đó là hàng loạt các bọt khí có diện tích từ 4 đến 5 mét vuông.

Giáo sư Igor Semiletov, người đứng đầu đoàn thám hiểm của Đại học Bách khoa Tomsk đã thốt lên rằng, đó là sự phát thải khí metan lớn nhất mà ông từng thấy. Đài phun nước được xác định có nồng độ metan cao gấp 9 lần so với mức trung bình của hành tinh.

Sau ba ngày nghiên cứu kỹ hiện tượng kỳ lạ này, các nhà nghiên cứu đang tiếp tục nghiên cứu vùng biển Laptev ở Bắc Cực trong chuyến thám hiểm.

Nguyên nhân ban đầu dẫn đến hiện tượng có thể là do một lượng lớn khí bị khóa bên trong đất đóng băng của Siberia và dưới các hồ đã bị rò rỉ kể từ khi kết thúc kỷ băng hà trên Trái đất khoảng 10.000 năm trước.

Thực tế, trong vài thập kỷ qua, khi Trái đất nóng lên, các chuyên gia cho rằng, mặt đất băng giá đã bắt đầu tan nhanh hơn. Điều này đẩy nhanh quá trình giải phóng khí me-tan - một loại khí nhà kính mạnh gấp 23 lần so với carbon dioxide với tốc độ nguy hiểm.

(theo Dân trí)