📞

Phát hiện 'địa ngục' trần gian, không sự sống nào có thể tồn tại

09:01 | 05/11/2019
Khu vực Dallol của Ethiopia được cho là một địa ngục thủy nhiệt ở thế giới khác với axit sunfuric sủi bọt và muối không có sự sống nào có thể tồn tại.
Khu vực Dallol của Ethiopia. (Nguồn: Shutterstock)

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Paris-Sud đã phát hiện ra “địa ngục” này khi sử dụng kính hiển vi và phân tích hóa học. Trái ngược với nghiên cứu trước đó, các nhà khoa học kết luận rằng, không có cuộc sống rõ ràng nào có thể tồn tại trong các hồ địa nhiệt dữ dội nhất của khu vực Dallol.

Các hệ thống thủy nhiệt của Dallol thực sự độc đáo. Bên dưới lớp sương mù hơi clo và lưu huỳnh, các con suối chảy ra nước mặn hơn 10 lần so với nước biển, sủi bọt ở nhiệt độ trên 108°C. Nước muối cũng không có oxy và có độ pH khoảng bằng 0.

Bất chấp những điều kiện khắc nghiệt này, một nghiên cứu khác từng được công bố vào tháng 5/2019 đã lập luận rằng, môi trường đa cực của Dallol có bằng chứng về các vi sinh vật siêu nhỏ như các vi khuẩn cổ, nhỏ hơn tới 20 lần so với vi khuẩn trung bình.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới bác bỏ điều này. Các nhà nghiên cứu lập luận bằng chứng về sự sống từ nghiên cứu hồi tháng 5 thực sự không chính xác. Phân tích của họ cho thấy, vi khuẩn liên quan đến con người đã được vận chuyển đến khu vực này bởi khách du lịch chứ không phải tồn tại trong môi trường bản địa.

Rào cản đáng quan tâm dẫn đến sự sống không thể tồn tại liên quan đến nồng độ cao của các ion magiê tự do có trong nước. Rào cản còn lại là nồng độ axit ở mức độ độc hại, dẫn tới phân tử không thể thích nghi cùng lúc với độ pH rất thấp và lượng muối cực cao.

Cuộc sống ít nhất là như chúng ta biết cần nước. Chúng ta cũng có xu hướng cho rằng, môi trường nước lỏng là một đặc điểm chắc chắn về sự sống, đặc biệt nếu chúng ta tìm kiếm gợi ý về sự sống ở những nơi khác trong hệ Mặt trời hoặc thiên hà. Tuy nhiên, nghiên cứu này cho thấy sự sống chưa chắc đã tồn tại nếu chỉ cần một môi trường có nước lỏng.

(theo Dân trí/IFL Science)