📞

Phát hiện hố đen lớn thứ hai trong dải Ngân Hà

13:53 | 18/01/2016
Các nhà thiên văn học Nhật Bản đã phát hiện ra hố đen lớn thứ hai trong thiên hà (dải Ngân Hà) nhờ kính thiên văn Nobeyama dài 45m thuộc quản lý của Đài thiên văn quốc gia Nhật Bản,
Thiên hà hình xoắn ốc NGC 4845 cách Trái Đất hơn 65 triệu năm ánh sáng, có chứa một hố đen siêu lớn ở trung tâm (Nguồn: NASA)

Hiện nay hố đen  Sagittarius A * (Sgr. A *) ở trung tâm dải Ngân Hà có khối lượng khoảng 400 triệu lần khối lượng của Mặt Trời đang được coi là hố đen lớn nhất trong dải Ngân Hà.

Các nhà nghiên cứu nói phát hiện này có thể giúp trả lời câu hỏi về cách thức các siêu lỗ đen lớn phát triển ở trung tâm của hầu hết các thiên hà lớn.

Nhà nghiên cứu Tomoharu Oka thuộc trường Đại học Keio tại Nhật Bản và nhóm của ông cho biết kính thiên văn phát hiện cách hố đen Sgr. A* khoảng 200 năm ánh sáng một lỗ đen tầm trung có khối lượng khó xác định.

Trong bài báo trên tạp chí Vật lý học thiên thể (Astrophysical Journal), nhóm này cho biết họ quan sát thấy một đám mây khí xoắn được đặt tên là CO-0,40-0,22 trong đó vật chất đang bị hút theo nhiều hướng khác nhau và ở tốc độ khác nhau. Nghiên cứu mô hình quan sát của họ trên máy tính, nhóm kết luận rằng ở giữa đám mây đó có một hố đen lớn. Lớn gấp100.000 lần kích cỡ của Mặt Trời, hố đen này lớn thứ hai trong dải Ngân Hà của chúng ta, chỉ xếp sau hố đen Sgr. A*.

Các nhà thiên văn học cho biết, có hai loại hố đen trong vũ trụ. Có những “hố đen sao” được hình thành khi một ngôi sao lớn phát nổ, nhiên liệu hạt nhân của nó tỏa ra ngoài, còn được gọi là siêu tân tinh. Loại hố đen thứ hai được gọi là hố đen siêu lớn. Những hố đen thường được phát hiện tại các trung tâm của các thiên hà, bao gồm cả thiên hà của chúng ta - dải Ngân Hà.

Theo lý thuyết, các hố đen khi mới xuất hiện tương đối nhỏ, sau đó chúng lớn dần lên do hút vật chất ở xung quanh vào, và do sáp nhập với các hố đen khác. Nhưng các nhà thiên văn học mới chỉ quan sát thấy các hố đen sao nhỏ và các hố đen siêu lớn, chưa thấy hố đen nào tầm trung. Vì vậy, họ đang tìm kiếm hố đen kích cỡ trung bình.

Một số lý thuyết về sự tiến hóa ước tính dải Ngân Hà có thể chứa 100 triệu hố đen, mặc dù các cuộc nghiên cứu bằng tia X mới chỉ tìm được một phần nhỏ trong số này. Nếu đúng là các hố đen phát triển và tiến hóa bằng cách kết hợp với các hố đen khác, khoảng cách 200 năm ánh sáng từ hố đen Sgr. A* có nghĩa đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi nó trở thành siêu lớn bằng cách sáp nhập với các hố đen ở vùng không gian lân cận.

Hố đen (hay lỗ đen) là một vùng trong không gian vũ trụ mà sức hút của nó ngăn cản mọi thứ, kể cả ánh sáng cũng không thể thoát ra. Thuyết tương đối rộng cho rằng một lượng vật chất với khối lượng đủ lớn nằm trong phạm vi đủ nhỏ sẽ làm biến dạng không-thời gian để trở thành hố đen. Theo lý thuyết, hố đen có thể hình thành từ sự suy sụp của những ngôi sao có khối lượng rất lớn trong giai đoạn cuối của chúng. Sau khi hình thành, hố đen tiếp tục hút vật chất từ không gian xung quanh, và khối lượng của nó tăng dần lên theo thời gian.

 

 

 

(tổng hợp)