Trong chuyến đi được tài trợ bởi Quỹ Khoa học Quốc gia và Chương trình Nam Cực của Chính phủ Mỹ, kéo dài từ tháng 2 đến tháng 3 vừa qua, 12 nhà khoa học đến từ Mỹ, Nam Phi và Australia đã tới khu vực đảo James Ross (Nam Cực).
Nhà nghiên cứu Steve Salisbury, thuộc Đại học Queensland (Australia) - một thành viên của một nhóm nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi tìm thấy rất nhiều hóa thạch thực sự tuyệt vời. Chúng có niên đại vào cuối thời đại của khủng long”.
Một thành viên của nhóm nghiên cứu đang xem xét các mẫu vật (Nguồn: CBSN) |
Hầu hết các hóa thạch mà các nhà nghiên cứu tìm thấy tại đây đều là của các loài bò sát cổ đại từng sống dưới biển.
"Chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều hóa thạch của các loài bò sát biển như plesiosaurs và mosasaurs - loài thằn lằn biển nổi tiếng được biết đến qua bộ phim Thế giới kỷ Jura (Jurassic World)" - nhà nghiên cứu Salisbury cho biết.
Hiện các hóa thạch nói trên đang được bảo quản ở Chile, nhưng chúng sẽ được chuyển về Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Carnegie, bang Pennsylvania (Mỹ) để nghiên cứu thêm.
Ông Salisbury nhận định, việc phát hiện những hài cốt hóa thạch này đặt nền tảng cho các cuộc thám hiểm khác trong tương lai. "Chúng tôi tìm thấy rất nhiều khu vực mới tại đây cần được tiếp tục tìm kiếm, khai quật" - ông cho biết thêm.
Khủng long là nhóm động vật đa dạng thuộc nhánh Dinosauria. Chúng xuất hiện lần đầu vào kỷ Tam Điệp (231.4 triệu năm trước) và là nhóm động vật có xương sống chiếm ưu thế nhất xuyên suốt hơn 165.4 triệu năm cho đến cuối kỷ Phấn Trắng (66 triệu năm trước), khi Sự kiện tuyệt chủng kỷ Creta-Paleogen diễn ra làm tuyệt chủng hầu hết các nhóm khủng long và 3/4 các loài động vật, thực vật trên Trái Đất. |