Hóa thạch sinh vật giống kỳ nhông khổng lồ. (Nguồn: Bảo tàng Field) |
Theo nghiên cứu được đăng tải ngày 3/7 trên tạp chí Nature, loài sinh vật trên có tên Gaiasia jennyae, được đặt theo tên tầng đá Gai-As ở Namibia nơi phát hiện hóa thạch, đồng thời để tưởng nhớ nhà cổ sinh vật học Jennifer Clack - người dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về quá trình tiến hóa của động vật 4 chân.
Các nhà khoa học phân tích tàn tích hóa thạch của 4 con Gaiasia jennyae được thu thập cách đây khoảng một thập kỷ, bao gồm hộp sọ và một phần xương sống.
Sinh vật này được xác định đã tồn tại cách đây khoảng 40 triệu năm, trước kỷ Jura, thời điểm khủng long bắt đầu xuất hiện.
Theo các nhà nghiên cứu, loài săn mồi này có kích thước lớn hơn người, sử dụng chiếc đầu rộng, phẳng và hàm răng trước để hút và ngoạm con mồi bất ngờ. Hộp sọ của nó có kích thước lên đến 60 cm.
Từ lâu, các nhà khoa học nghiên cứu những kẻ săn mồi cổ đại này để tìm hiểu về nguồn gốc của động vật 4 chân - nhóm động vật có khả năng di chuyển trên cạn bằng ngón chân thay vì vây và sau đó tiến hóa thành động vật lưỡng cư, chim và động vật có vú, bao gồm cả con người.
Hầu hết hóa thạch động vật 4 chân thời kỳ đầu được tìm thấy tại các đầm lầy than nóng thời tiền sử dọc theo đường xích đạo ở Bắc Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, những tàn tích mới nhất này, có niên đại cách đây khoảng 280 triệu năm, lại được phát hiện tại Namibia ngày nay - một khu vực ở châu Phi từng bị sông băng và băng tuyết bao phủ.
Điều này cho thấy động vật 4 chân có thể đã phát triển mạnh trong môi trường lạnh giá hơn so với dự đoán trước đây của các nhà khoa học đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi mới về cách thức và thời điểm chúng thống trị Trái đất.
Tiến sĩ Claudia Marsicano tại Đại học Buenos Aires, đồng tác giả nghiên cứu, nhấn mạnh: "Câu chuyện về những động vật 4 chân đầu tiên phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta từng nghĩ đến".