📞

Phát hiện hộp sọ hóa thạch cá heo sông khổng lồ từ 16 triệu năm trước

16:13 | 21/03/2024
Ngày 20/3, các nhà khoa học công bố hộp sọ hóa thạch 16 triệu năm tuổi của loài cá heo sông từng sống ở vùng nước mà ngày nay là sông Amazon và có họ hàng gần nhất còn sống là cá heo sông Nam Á sinh sống ở sông Hằng của Ấn Độ.
Trưng bày mẫu hóa thạch cá heo. (Nguồn: AP)

Các nhà khoa học đã khai quật hộp sọ hóa thạch này ở Peru. Họ tìm thấy hóa thạch trong chuyến thám hiểm trên sông Napo năm 2018 do Hiệp hội Địa lý quốc gia tài trợ.

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Science Advances, nhà cổ sinh vật học Rodolfo Salas cho biết, hộp sọ hóa thạch trên là của loài cá heo lớn nhất từng sinh sống ở vùng sông nước Nam Mỹ, có chiều dài từ 3-3,5m.

Loài cá heo này được đặt tên là Pebanista yacuruna, theo tên Yacuruna - một sinh vật thần thoại của Peru sống ở vùng nước sâu.

Chuyên gia Salas cho biết thêm, loài cá heo này có họ hàng với loài cá heo sông Hằng ở Ấn Độ nhưng có kích thước lớn hơn nhiều.

Chúng đã sống trong môi trường nước ngọt ở Amazon và Ấn Độ nhưng đã tuyệt chủng ở Amazon và sống sót tại Ấn Độ. Theo nhà khoa học Salas, tổ tiên của chúng trước đây sống ở đại dương.

Hiện lưu vực sông Amazon và Orinoco vẫn là nơi sinh sống của loài cá heo sông Amazon, còn được gọi là cá heo hồng hoặc boto.

(theo TTXVN)