Ông James Harrison đã hiến máu cứu mạng hơn 2 triệu trẻ sơ sinh. (Nguồn: Mail Online) |
Năm 14 tuổi, cậu bé James Harrison, người Australia, ngã bệnh và phải phẫu thuật cắt một lá phổi. Harrison đã nhận được 13 lít máu từ những người tình nguyện và thoát chết. Sau đó, Harrison quyết định làm một điều đó tương tự để đền đáp cho cộng đồng. Và, từ năm 18 tuổi, Harrison bắt đầu đi hiến máu và đã làm điều này suốt gần 60 năm qua.
Thật may mắn, máu của Harrison đặc biệt bởi vì nó chứa một kháng thể hiếm gặp là globulin Rh (D) (hoặc anti-D). Nhóm máu Rh là một trong 35 nhóm máu của con người và quan trọng thứ tư, sau các nhóm A, B, O.
Các phụ nữ mang thai có máu Rh âm tính và có một số em bé có máu Rh dương tính. Vì vậy, hệ thống miễn dịch của người mẹ thường "hiểu lầm" và coi các tế bào của thai nhi Rh dương tính như một chất lạ nên nó gửi các kháng thể chống Rh qua nhau thai để tiêu diệt các tế bào hồng cầu của em bé - còn gọi là bệnh tan máu ở trẻ sơ sinh.
Máu của Harrison có ích trong trường hợp này bởi globulin Rh có khả năng cứu sống thai nhi bằng cách tắt phản ứng miễn dịch của người mẹ khi tấn công các tế bào hồng cầu của em bé. Theo Hội Chữ thập Đỏ Australia, kể từ khi bắt đầu hiến máu, Harrison đã cứu được khoảng 2,2 triệu trẻ sơ sinh.
"Bệnh tan máu ở trẻ sơ sinh rất nguy hiểm. Đã có rất nhiều phụ nữ mất đi đứa con của họ, hoặc đứa bé được sinh ra với tổn thương não hoặc thiếu máu trầm trọng. Các bác sĩ phát hiện ra rằng, kháng thể globulin Rh của ông Harrison thực sự có thể ngăn ngừa bệnh tan máu của trẻ sơ sinh", bà Jemma Falkenmire, phát ngôn viên của Hội Chữ thập Đỏ Australia cho biết.