Loại vi khuẩn này được tìm thấy trong hầu hết các chai nước dùng một lần. (Nguồn: Los Angeles Times) |
Phát hiện vừa được công bố trên tạp chí Khoa học (Mỹ) này có thể mở ra một phương pháp mới để xử lý hơn 50 triệu tấn nhựa được sử dụng để sản xuất chai đựng nước trên toàn cầu mỗi năm.
Loại nhựa dùng làm chai nước được gọi là polyethylene terephalate (PET). Nó cũng được sử dụng trong sản xuất quần áo làm từ polyester, khay đựng thực phẩm đông lạnh và bao gói. Ưu điểm của PET là có trọng lượng nhẹ, không màu và bền chắc. Tuy nhiên, nó cũng nổi tiếng là "cứng đầu" đối với các vi khuẩn phân hủy.
Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Kyoto và Đại học Keio (Nhật Bản) đã thu thập 250 mẫu PET từ các bãi rác thải rồi tiến hành sàng lọc các vi khuẩn sống trên các mẫu để xem có loài nào trong số chúng có thể phân hủy được PET.
Cuối cùng họ đã phát hiện ra một loại vi khuẩn mà enzyme của nó có thể phá vỡ cấu trúc các hạt nhựa của PET. Họ đặt tên là Ideonella sakaiensis.
Cụ thể là sau khi bám vào bề mặt nhựa, vi khuẩn này tiết ra một loại enzyme để tạo ra một chất hóa học trung gian. Chất này sau đó sẽ được tế bào của vi khuẩn hấp thu lại, nơi các enzyme khác phá vỡ PET một lần nữa để cung cấp cho vi khuẩn lượng carbon và năng lượng để phát triển.
Các nhà nghiên cứu cho biết, một cộng đồng vi khuẩn Ideonella sakaiensis hoạt động theo cách này có thể phân hủy một màng mỏng PET trong 6 tuần, nếu nhiệt độ ổn định.
Nhà nghiên cứu Tracy Mincer chuyên vấn đề rác thải nhựa trong lòng đại dương thuộc Viện Đại dương học Woods Hole ở Massachusetts (Mỹ) cho biết, thí nghiệm cho thấy những sinh vật này đã phân hủy nhựa khá tốt.
Tuy nhiên, ông cho rằng còn khá sớm để biết liệu loại vi khuẩn này có giúp phân hủy được rác nhựa dưới lòng các đại dương hay không.