Hình ảnh mô phỏng loài "Kỳ lân Siberia" (Nguồn: CSM) |
Các nhà khoa học mới công bố phát hiện về thời gian tuyệt chủng của loài tê giác tiền sử được gọi là “kỳ lân vùng Siberia”. Họ sử dụng phương pháp kiểm tra carbon phóng xạ và kết luận rằng vài chục ngàn năm trước đây chúng vẫn còn tồn tại ở vùng Siberia. Dữ liệu mới này góp phần làm sáng tỏ lịch sử bí ẩn của loài kỳ lân Siberia.
Loài động vật to lớn và vụng về này đã được đặt tên là "kỳ lân Siberia" do chúng có một cái sừng nổi bật trên đỉnh đầu giống loài kỳ lân trong thần thoại. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng kỳ lân Siberia đã bị tuyệt chủng 350.000 năm trước.
Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học Ứng dụng của Mỹ, một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học bang Tomsk (Nga) đã phân tích một hóa thạch hộp sọ kỳ lân Siberia mới được phát hiện ở Kazakhstan cùng với hóa thạch của voi và bò rừng thời tiền sử. Họ đã kết luận hai điều: hộp sọ thuộc về một con đực rất lớn, chưa thể ước tính chính xác các số đo cơ thể của nó; và nó "mới" chết 29.000 năm trước đây.
Làm thế nào đây loài "kỳ lân" bí ẩn này tồn tại được "thêm" cả trăm ngàn năm như vậy? Nhóm nghiên cứu cho rằng, có thể chúng đã di cư vào một vùng khí hậu tương đối ôn hòa ở vùng Siberia rộng lớn và lạnh giá. "Nhiều khả năng, ở phía Nam của khu vực phía Tây Siberia khi đó có một vùng khí hậu tương đối ôn hòa, nơi loài tê giác cổ đại này đã tồn tại thêm một khoảng thời gian nữa"- ông Andrey Shpanski, một nhà cổ sinh học của trường Đại học Tomsk tham gia nghiên cứu cho biết.
Loài kỳ lân Siberia là những động vật khổng lồ, dài tới 4,5m và có trọng lượng ước tính khoảng 4,500kg - lớn hơn một con voi rừng châu Á hoặc châu Phi. Những con tê giác thời tiền sử này, giống như những anh em họ hiện đại của chúng, có một sừng lớn trên đầu để tự vệ. Chúng là loài động vật ăn cỏ, sống rải rác trên phần lớn vùng đất hiện nay là phía đông nước Nga và Kazakhstan, từ sông Don gần tới Mông Cổ.
Trước đây có nhiều thông tin khác nhau về thời gian biến mất của loài thú này, do nhiều nhà nghiên cứu không sử dụng phương pháp đo đồng vị phóng xạ carbon.