Một chú gấu được phát hiện trên nóc một ngôi nhà hoang ở Chernobyl. (Nguồn: P.News) |
Nghiên cứu của một trường Đại học Mỹ về động vật hoang dã trong khu vực bị hạn chế (CEZ) ở thành phố Chernobyl cho thấy, có rất nhiều động vật sinh sống trong khu vực. Kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Frontiers in Ecology and the Environment (Mỹ).
Khu vực CEZ được lập ra từ sau thảm họa hạt nhân ngày 26/4/1986 tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Pripyat, Ukraine.
Nhóm nghiên cứu này đã lắp đặt 30 máy ảnh theo dõi hàng chục địa điểm trong khu vực. Họ sử dụng một "mùi hương axit béo" để thu hút động vật đến gần các máy ảnh. Trong khoảng thời gian 5 tuần thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học thông báo rằng họ đã ghi hình được 14 loài động vật có vú, bao gồm cả chó sói xám, lợn rừng hoang dã, cáo đỏ và chó hoang. Tất cả các loài này đã xuất hiện tại các điểm đặt máy ảnh "gần hoặc trong các khu vực bị ô nhiễm cao nhất", các nhà nghiên cứu cho biết.
"Các nghiên cứu trước đây đã làm sáng tỏ về tình trạng của các quần thể động vật hoang dã trong CEZ, nhưng chúng tôi vẫn thấy cần phải cập nhật thêm thông tin" - ông James Beasley, Phó Giáo sư tại phòng thí nghiệm Sinh thái học Savannah thuộc trường Đại học Georgia (Gruzia) nói.
"Những gì chúng tôi thấy đã cho thấy những con vật này nhiều khả năng đã tìm được nguồn thức ăn và nước trong khu vực", ông Beasley nói.
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl phát nổ tung ra lượng bức xạ nhiều hơn 400 lần so với quả bom nguyên tử do Mỹ thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945. Nó tung ra một đám mây bụi phóng xạ vào Nga, Belarus và một phần diện tích của Bắc Âu.
Khu CEZ ở Chernobyl rộng khoảng 2.160km2 và bao gồm nhiều phần lãnh thổ của hai nước Ukraine và Belarus. Các nhà nghiên cứu cho biết mức độ bức xạ đã giảm đáng kể trong khu vực.