Ảnh minh họa. |
Theo tác giả công trình nghiên cứu Vincent Post đến từ Đại học Flinders của Australia, ước tính có khoảng 500.000 km khối nước với hàm lượng muối thấp đang nằm dưới đáy biển tại các khu vực thuộc lãnh thổ Australia, Trung Quốc, Bắc Mỹ và Nam Phi. Nguồn tài nguyên này lớn gấp hàng trăm lần lượng nước được lấy từ bề mặt Trái Đất kể từ năm 1900.
Phát hiện này rất có ý nghĩa khi tạo thêm nhiều lựa chọn trong việc làm giảm ảnh hưởng của hạn hán, cũng như tình trạng thiếu nước ngọt tại một số nơi.
Nhóm các nhà nghiên cứu đã phát hiện những trữ lượng nước ngọt khổng lồ nói trên khi xem xét các công trình nghiên cứu về nước dưới đáy biển cho mục đích khoa học, thăm dò dầu mỏ và khí đốt. Những nguồn nước này được hình thành từ cách đây hàng trăm nghìn năm, khi mực nước biển còn thấp hơn rất nhiều và nhiều khu vực hiện nằm dưới biển khi đó còn lộ ra để nước mưa có thể thấm vào. Khi các lớp băng bắt đầu tan chảy cách đây 20.000 năm, những vùng bờ biển này bị ngập dưới nước, song các tầng nước ngầm vẫn không bị ảnh hưởng do được bảo vệ bởi các lớp đất sét và trầm tích.
Ông Post nhận định trữ lượng nước ngọt trên tương đương với lượng nước mà cả thế giới hiện đang phụ thuộc vào và việc khai thác sẽ tiêu tốn ít chi phí hơn hẳn việc khử muối nước biển. Tuy nhiên, việc khoan lấy nước cũng khá đắt và cần phải cẩn thận để không làm làm bẩn những mạch nước ngầm bởi nó không thể được lấp đầy cho đến khi mực nước biển hạ xuống lần nữa và điều này sẽ không xảy ra trong một thời gian dài.
Liên Hợp Quốc ước tính lượng nước được sử dụng đã tăng gấp hơn 2 lần tỷ lệ dân số trong thế kỷ trước do nhu cầu tưới nước trong nông nghiệp và sản xuất gia súc. Hiện hơn 40% dân số thế giới đang sống trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng và đến năm 2030, LHQ ước tính con số này sẽ tăng lên 47%.
G.P