📞

Phát hiện xương của một chủng người cổ đại

14:52 | 19/12/2015
Các nhà khoa học vừa phát hiện chiếc xương đùi hóa thạch thuộc về một loài người cổ đại được cho là đã tuyệt chủng từ lâu. Việc phát hiện ra mảnh xương này có thể làm thay đổi quan niệm hiện nay về sự tiến hóa của loài người.
Hình ảnh mô phỏng chủng người cổ đại mới được tìm thấy. (Nguồn: CSM)

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành so sánh chiếc xương đùi trái vừa được khai quật ở hang Hươu Đỏ, tại Maludong, miền Tây Nam Trung Quốc, này với xương đùi của người cổ đại và hiện đại. Kết quả cho thấy, mẫu vật này đại diện cho nhóm người cổ đại sống gần thời của chúng ta một cách đáng ngạc nhiên. Nếu giả thiết này là đúng thì nó có thể thay đổi đáng kể quan điểm về lịch sử loài người.

Hiện nay, chúng ta - loài Homo sapiens là loài người duy nhất đi bằng hai chân trên Trái Đất. Tuy nhiên, những chủng người cổ đại, như người Neanderthal, Denisovans, H. erectus, và H. habilis, lai tạp chồng chéo với nhau và thậm chí, một số còn lai với loài Homo sapiens chúng ta. Điều đó được chứng minh khi gene của người Denisovan còn được tìm thấy trong một số người hiện đại ngày nay.

Các nhà khoa học cho rằng, hàng chục ngàn năm trước đây đã tồn tại một số loài người trên Trái Đất và một trong những loài gần nhất với chúng ta - người Neanderthal, được cho là đã tuyệt chủng ra cách đây 40.000 năm.

"Cho đến nay, người ta vẫn cho rằng, con người cổ xưa ở lục địa châu Á đã sống không muộn hơn khoảng 100.000 năm trước đây. Vì vậy, việc tìm thấy một mẫu xương giống xương người cổ đại mà chỉ có tuổi khoảng 14.000 năm là một bất ngờ thực sự" - trưởng nhóm nghiên cứu Darren Curnoe cho biết.

Đây không phải là mẫu hóa thạch người cổ đại đầu tiên mà nhóm nghiên cứu tìm thấy ở Maludong. Năm 2012, họ từng tìm thấy những hộp sọ tại cùng địa điểm. Điều đó cho thấy, những hóa thạch này đại diện cho một nhóm người cổ đại.

Theo các nhà nghiên cứu, để tồn tại cho đến gần đây như vậy, nhiều khả năng nhóm người này đã bị cô lập. Khu vực tìm thấy các mảnh xương khá biệt lập và có khí hậu nhiệt đới. "Do đó xương đùi Maludong có thể đại diện cho một nhóm người cổ đại mà còn sống tương đối muộn trong khu vực sinh quyển phức tạp và bị cô lập này” – ông Darren Curnoe phỏng đoán.

Đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học công bố thêm bằng chứng về những chủng người cổ đại. Trước đó, chủng người Homo florensiensis, có biệt danh "Người lùn" do tầm vóc thấp bé, đã được phát hiện từng sống trên đảo Flores – thuộc Indonesia, khoảng 17.000 năm trước đây.

Trung Hiếu (tổng hợp)