Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - bản sắc văn hoá Việt, biểu tượng của đoàn kết dân tộc. Trong ảnh: Nghi thức tế lễ tại Đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. (Nguồn: TTXVN) |
Quan điểm xuyên suốt về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự và chính trị, được ghi nhận trong pháp luật quốc tế cũng như trong pháp luật của nhiều quốc gia.
Khoản 3 Điều 1 Hiến chương LHQ năm 1945 nêu rõ: “Thực hiện sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hoá và nhân đạo và khuyến khích phát triển sự tôn trọng các quyền của con người và các tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hoặc tôn giáo”.
Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 đã cụ thể hóa nội dung về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, pháp luật Việt Nam quy định cụ thể hóa về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Theo Điều 24 Hiến pháp năm 2013, “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Với thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo sôi động ở Việt Nam và quy định trong Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 ra đời, có hiệu lực ngày 1/1/2018 là minh chứng rõ ràng nhất về quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong toàn bộ quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm bình đẳng giữa các tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước.
Gần đây nhất, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vai trò, tầm quan trọng của tôn giáo trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam tiếp tục được khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”. Đây chính là những định hướng quan trọng trong bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong thời gian tới.
Nâng cao trình độ cho người hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng
Việt Nam là quốc gia có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo. Về tín ngưỡng, Việt Nam do đặc thù xuất phát từ nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, đồng thời, với quá trình hình thành và phát triển đất nước, nhân dân phải đồng thời chống lại giặc ngoại xâm và thiên tai. Vì vậy, trong dân gian Việt Nam tồn tại hàng trăm loại hình tín ngưỡng dân gian.
Có thể kể đến như: tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ các Anh hùng dân tộc, danh nhân, thờ thành hoàng làng,... Nên không có gì khó hiểu khi cho rằng có đến 95% người dân Việt Nam có tín ngưỡng.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người được thể hiện ở việc mọi người dân được tự do thực hành các tín ngưỡng, tự nguyện theo hoặc không theo tôn giáo nào. Theo số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, trên cả nước hiện có 13.162.879 tín đồ tôn giáo (chiếm 13,68% dân số cả nước), với 16 tôn giáo được công nhận, bao gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo...
Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, đến năm 2020, Việt Nam đã có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, tăng 10 tôn giáo và 28 tổ chức so với trước khi thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (có 36 tổ chức tôn giáo được công nhận; 04 tổ chức tôn giáo và 1 pháp môn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo).
Về kinh sách, các ấn phẩm tôn giáo, từ năm 2013 đến nay, các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo đã tạo điều kiện cho các tôn giáo xuất bản nhiều kinh sách, tạp chí, nguyệt san tôn giáo, trong đó có gần 6.000 xuất bản phẩm tôn giáo được xuất bản, hơn 19 triệu bản in; nhiều xuất bản phẩm được in bằng nhiều ngôn ngữ: Anh, Pháp, tiếng dân tộc thiểu số.
Hiện có 15 tờ báo, tạp chí của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động; phần lớn các tổ chức tôn giáo (kể cả tổ chức tôn giáo trực thuộc) có website riêng. Kinh sách của các tổ chức tôn giáo đã được phép xuất bản bằng 13 thứ tiếng dân tộc. Năm 2020, có 5.000 bản in Kinh thánh bằng tiếng Ê Đê, 3.000 bản in Kinh thánh tiếng Gia Rai.
Đối với những địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự trên cả nước, các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm diễn ra bình thường, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam. Khu vực Tây Nguyên hiện có khoảng 583.000 tín đồ (97% là đồng bào DTTS) sinh hoạt tôn giáo tại hơn 2.000 hội thánh, điểm nhóm. Khu vực miền núi phía Bắc có hơn 230.000 tín đồ là đồng bào DTTS sinh hoạt tôn giáo tại 1.640 hội thánh, điểm nhóm, đáp ứng được nhu cầu tinh thần của đồng bào có đạo.
Về giáo dục tôn giáo, nhằm mục đích đào tạo chức sắc các tôn giáo, nâng cao trình độ về giáo lý, giáo luật tôn giáo, Nhà nước Việt Nam đã tạo điều kiện cho các tôn giáo được thành lập các cơ sở giáo dục của tôn giáo mình. Hiện nay, ở Việt Nam có 53 cơ sở đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo.
Ngoài việc đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cử nhân tôn giáo, một số cơ sở còn được phép đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, điển hình như: Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh đã chiêu sinh, đào tạo 5 khóa Thạc sĩ Phật học và 3 khóa Tiến sĩ Phật học; Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã đào tạo được 1 khóa Thạc sĩ; 14 Chủng viện Công giáo hàng năm đào tạo hàng trăm chủng sinh phục vụ các hoạt động mục vụ Công giáo...
Ngoài ra, chính quyền các địa phương trên cả nước còn tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng thần học, giáo lý cho hơn 10.000 người mỗi năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định như:
Thứ nhất, Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân còn hạn chế về vấn đề tôn giáo, chưa thấy được vai trò của các nguồn lực tôn giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Thứ hai, Quản lý nhà nước về tôn giáo ở một số địa phương chưa phát huy được hết tác dụng trong bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ ba, Hệ thống pháp luật liên quan đến tôn giáo chưa thực sự thống nhất, đồng bộ trong điều chỉnh các quan hệ pháp luật liên quan đến tôn giáo.
Thứ tư, Công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chưa thực sự hiệu quả.
Lực lượng tình nguyện tôn giáo Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ tuyến đầu chống dịch Covid-19. (Nguồn: TTXVN) |
Phát huy vai trò của các nguồn lực tôn giáo
Trên cơ sở thực trạng về thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, trong thời gian tới, cần phải tiến hành một số giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.
Một là, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân về vấn đề tôn giáo; vai trò, tầm quan trọng của các tôn giáo trong phát triển đất nước hiện nay. Hình thức tuyên truyền đã dạng: các đợt tập huấn về công tác tôn giáo, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng khác, đặc biệt là sử dụng mạng Internet để lan tỏa rộng rãi thông tin.
Nội dung tuyên truyền nhấn mạnh nhận thức mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam về vấn đề tôn giáo, chính sách đối với tôn giáo, đặc biệt là quán triệt nội dung Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát huy các nguồn lực tôn giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước; phát huy những nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng; giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, góp phần giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội, phê phán và xóa bỏ các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan.
Hai là, cần đổi mới và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tôn giáo trong tình hình mới. Cần xác định, quản lý nhà nước về tôn giáo không phải là quản lý toàn bộ các nội dung, quá trình, hoạt động của tôn giáo. Quản lý nhà nước về tôn giáo, thực chất là sự điều chỉnh các quá trình, hoạt động của tôn giáo tuân thủ theo đúng Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; những gì pháp luật không cấm thì các cá nhân tôn giáo, tổ chức tôn giáo với đủ tư cách pháp nhân đều được thực hiện; cần bỏ cơ chế xin - cho trong quản lý nhà nước về tôn giáo.
Cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp cần nắm vững những nhận thức mới của Đảng về tôn giáo; cụ thể hóa chính sách, đưa pháp luật liên quan đến tôn giáo của Nhà nước vào cuộc sống; nắm bắt kịp thời âm mưu, phương thức, thủ đoạn và có các biện pháp ngăn chặn kịp thời các hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo.
Đồng thời, phát huy và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Ba là, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Về phía các cơ quan Trung ương, với chức năng, nhiệm vụ được luật định, trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cao kỹ năng, trình độ xây dựng văn bản qui phạm pháp luật; cần chính xác hóa các từ ngữ được hiểu trong luật để thuận tiện áp dụng trên cả nước; chỉnh sửa một số điều luật chưa thật hợp lý khi áp dụng với từng tôn giáo khác nhau; bổ sung thêm các qui phạm pháp luật điều chỉnh các nội dung mới phát sinh...
Về phía các cơ quan địa phương, cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc các qui định của Trung ương về tín ngưỡng, tôn giáo và quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; cụ thể hóa các văn bản qui phạm pháp luật thành các quan điểm chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trên nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.
Bốn là, tích cực trong phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết đấu tranh, phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động chiêu bài đòi “tự do tôn giáo”.
Trong các mặt hoạt động này cần đặc biệt trọng tâm đến chủ động nắm bắt tình hình để phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống liên quan đến tôn giáo một cách hài hòa, không để bị động bất ngờ, không để xảy ra các điểm nóng về tôn giáo. Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở thật sự trong sạch, vững mạnh, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào có đạo, nhất là những nơi có dấu hiệu bất ổn, tham mưu kịp thời và đưa ra những phương án xử lý phù hợp, hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần giải quyết kịp thời các nguyện vọng chính đáng của các tôn giáo nhằm tranh thủ sự ủng hộ, phát huy tối đa những tác động tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực và kiên quyết đấu tranh, xử lý các biểu hiện tiêu cực, những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá cách mạng nước ta.
Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh đã chiêu sinh, đào tạo 5 khóa Thạc sĩ Phật học và 3 khóa Tiến sĩ Phật học; Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã đào tạo được 1 khóa Thạc sĩ; 14 Chủng viện Công giáo hàng năm đào tạo hàng trăm chủng sinh phục vụ các hoạt động mục vụ Công giáo... Ngoài ra, chính quyền các địa phương trên cả nước còn tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng thần học, giáo lý cho hơn 10.000 người mỗi năm. |
* Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn, Học viện An ninh nhân dân